Loài người biết nói là do đột biến gen FOXP2 ?

Gene FOXP2

Các nhà khoa học Mỹ đã xác định đột biến gen FOXP2 là nguyên nhân giúp loài người biết nói. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí danh tiếng Nature cho biết đột biến gen này đã giúp loài người phát triển được khả năng ngôn ngữ và nói, mặc dù đây không phải là lý do duy nhất giúp con người biết nói.

Các nhà khoa học đã phát hiện con người có hơn 100 gen khác biệt so với loài vượn, họ hàng gần gũi nhất của loài người, đặc biệt gien FOXP2 có cấu trúc và hoạt động hoàn toàn khác nhau ở loài vượn và loài người. Qua thời gian, gen này đã biến đổi để giúp loài người phát triển khả năng nói.

Giáo sư Daniel Geschwind, một chuyên gia về thần kinh học, tâm thần học và di truyền học tại trường Đại học California (Mỹ), cho biết đột biến gen FOXP2 đóng vai trò rất lớn tạo sự khác biệt giữa loài người và loài vượn.

Theo các nhà khoa học, trong quá trình tiến hoá từ vượn, gen FOXP2 ở người đã trải qua hai quá trình đột biến quan trọng. Có lẽ nhờ đó mà loài người dần phát triển được một hệ thống phát âm phức tạp, cho phép diễn đạt sự vật và hiện tượng. Những phân tích về xương hàm, khoang miệng và răng của người tiền sử cho thấy con người có thể đã biết nói từ cách đây trên 130.000 năm. Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được thời điểm hình thành ngôn ngữ.

Đây không phải là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện vai trò của gen FOXP2 đối với khả năng nói ở con người. Trước đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng đã nhận thấy gen này có liên quan đến quá trình hình thành ngôn ngữ ở người và một số loài vật. Các nhà nghiên cứu tìm thấy gien này trong rất nhiều loài chim biết học tiếng, trong đó có chim sẻ, chim yến và chim ruồi...

T.B (LĐĐT, TTXVN)