Vinashin: nóng và lạnh

Vinashin đang làm kỳ họp Quốc Hội này nóng lên. Rõ ràng, trước một vụ doanh nghiệp quốc
doanh làm ăn thua lỗ gây thiệt hại lớn chưa từng có cho cả nước khiến toàn dân cực kỳ lo ngại và
quan tâm thì Quốc Hội dứt khoát phải bàn thảo cho ra nhẽ. 80 nghìn tỷ (hay là là 120 nghìn tỷ?)
đồng nợ nần ấy là công sức nửa năm lao động cật lực của 80 triệu dân, sao có thể để cho qua mà
không tìm cách rút ra bài học phòng tránh? May mà Quốc Hội kỳ họp trước đã sáng suốt bác “Dự
án đường sắt cao tốc”, chứ nếu không thì chúng ta sẽ nợ tới cả trăm tỷ USD kia.
Thực ra các vấn đề tồn tại của Vinashin đã được dư luận bàn thảo từ lâu trước khi nhà nước công
bố tập đoàn này vỡ nợ, nhưng chẳng thấy ai quan tâm điều tra nghiên cứu và báo cáo Quốc Hội.
Cũng chẳng thấy ai nói gì ở các kỳ họp Quốc Hội.
Cho đến hôm 17/3 năm nay triển lãm công nghiệp đóng tàu Việt Nam “VietShip 2010” long trọng
khai mạc, ai cũng nghĩ Vinashin đang ăn nên làm ra ghê lắm nên mới làm triển lãm sang trọng
chưa từng thấy như vậy (20.000 m2 trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, 600 gian hàng của
300 công ty, 2/3 là công ty nước ngoài).
Nhân dịp này, một bài báo viết: “Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc
giúp VietShip 2010 trở thành sự kiện kinh tế chuyên ngành hàng đầu trong nước và khu vực....thể
hiện sinh động và phản ánh rõ rệt sự phát triển của thị trường cũng như vị thế của công nghiệp
đóng tàu Việt Nam.”
Hôm ấy Vinashin cho biết, nhiều hợp đồng đóng tàu xuất khẩu và hợp tác đầu tư với thế giới được
ký kết sẽ giúp ngành công nghiệp tàu thủy nước ta có thể hoàn thành mục tiêu nội địa hoá 60%
vật tư thiết bị trên tàu vào năm 2015. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nói ngành công nghiệp đóng
tàu và hàng hải Việt Nam “vẫn còn rất lạc quan”.
Đùng một cái, mọi chuyện đảo ngược. Một loạt vụ bắt bớ lãnh đạo Vinashin khiến dư luận ngạc
nhiên, khác hẳn sự ưu ái từng dành cho Vinashin.
Chuyên gia cự phách ngành đóng tàu Đỗ Thái Bình cho rằng Vinashin “là nỗi đau đớn tủi buồn cho
một ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao giờ đây là đầu đề đàm tiếu của xã hội, một gánh nặng
cực kỳ lớn cho xã hội”, ông “tự giận mình, dù đã phát biểu, có ý kiến phản biện, đã can ngăn,
nhưng còn quá yếu ớt, trong khi ngành đóng tàu ngày càng trượt dài khỏi lộ trình đúng đắn” (tạp
chí Tia Sáng 20/7/2010).
Vấn đề bây giờ là phải giữ cái đầu thật nguội lạnh để tìm ra sai lầm nào dẫn đến vụ đổ bể
Vinashin. Sai lầm là điều khó tránh, nhưng sai lầm về chiến lược thì dứt khoát phải tránh bằng
được. Có thể có nhiều cái sai, nhưng cái nào là cơ bản, là gốc của mọi sai lầm thì nhất thiết phải
tìm ra. Có thế mới tránh bị vấp ngã lần nữa.
Trước hết Quốc Hội nên dẫn đầu tiến hành nghiêm chỉnh bàn thảo rút kinh nghiệm và xử lý thích
đáng vụ Vinashin, sao cho được lòng dân và để dư luận quốc tế không nói vào đâu được. Nếu
Quốc hội không bố trí thời gian làm việc riêng về chủ đề Vinashin thì rõ ràng sẽ khó được dư luận
tán thành (còn nhớ Quốc Hội kỳ họp trước dành không ít thời gian để bàn về “Dự án đường sắt cao
tốc” viển vông). Nghe dân càng sớm càng tốt, nên tránh để đến lúc “tức nước vỡ bờ”, hàng nghìn
người ký tên kiến nghị thì rất khó xử.
Trên báo chí, nhất là báo mạng cần triển khai toàn dân tranh luận, để tất cả mọi người với tinh
thần làm chủ đất nước, tự do phát biểu ý kiến một cách xây dựng, tìm cho ra nhẽ nguyên nhân
đích thực và giải pháp cứu Vinashin. Việc này nên tiến hành một cách có lý trí, không rùm beng,
chụp mũ, đả kích lung tung vô trách nhiệm. Tại Trung Quốc, một vụ sữa bẩn (thiệt hại tính ra tiền
chẳng bao nhiêu) đã có hàng chục triệu dân tranh luận trên mạng.
Nhà nước đã công bố về những cái sai của lãnh đạo Vinashin, nhưng bây giờ họ tạm thời không
được tiếp xúc với công luận nên chẳng rõ họ nhận sai như thế nào. Tốt nhất nên để họ phát biểu
công khai, vì họ nắm vấn đề hơn cả. Ít nhất cũng nên cho họ ra trước Quốc Hội để trả lời chất vấn.
Cách làm khách quan, đàng hoàng như vậy quốc tế không thể chê ta “bịt miệng dân”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân
và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn. Bộ Chính trị đã nghe
Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo”. Là chủ nhân nước mình, dân ta có quyền biết Chính
phủ nhận trách nhiệm ra sao và kết luận của Bộ Chính trị như thế nào hay không? Chỉ biết chung
chung thì sao có thể thực hiện “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”?
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng nói, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Vinashin có một
phần do các cơ quan nhà nước tham mưu chưa tốt. Cần làm rõ cơ quan nhà nước nào và tham
mưu chưa tốt ở chỗ nào, nếu không sẽ hoà cả làng.
Người Trung Quốc có câu: Thắng lợi có một trăm ông bố (nhận mình là bố đẻ), còn thất bại là một
đứa con mồ côi (không ai đoái hoài). Dân ta có câu: Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì
nào thấy ai”. Giả thử Vinashin làm ăn tốt thì sao nhỉ? Liệu có cá nhân và tổ chức nào đó “vỗ tay”
hăng nhất nhưng bây giờ mất tăm?
Vụ Vinashin nói lên một tồn tại lớn về cung cách hoạch định chính sách. Lấy đóng tàu làm quốc
sách xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam là một chủ trương cực lớn, Vinashin không thể đưa ra
một quyết sách lớn như vậy, tuy họ có thể kiến nghị với trên. Phải là một cơ quan cấp Bộ tự đề ra
hoặc xét duyệt đề xuất dưới đưa lên thì Chính phủ mới duyệt. Lẽ ra chủ trương này phải được hệ
thống các cơ quan nghiên cứu (Viện Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan, trường ĐH khối
kinh tế, công nghiệp ...) nghiên cứu nhiều năm, lập thành phương án trình Chính phủ và Quốc Hội
xét duyệt, đưa ra công luận bàn thảo góp ý rồi mới thực thi. Không rõ các Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Công Thương có trách nhiệm như thế nào trong việc hoạch định này.
Dường như chúng ta vẫn quen hoạch định chính sách một cách thiếu thận trọng, không theo quy
trình khoa học tất cả các nước hiện dùng. Còn nhớ hồi thập niên 50 thế kỷ trước Trung Quốc từng
có “Đại Nhảy vọt”, cá nhân lãnh tụ “quyết” tất cả, hậu quả vô cùng thảm khốc. Có vị lãnh đạo ra
nước ngoài thấy cái gì hay là “quyết” làm ngay theo họ, chẳng tính toán nghiên cứu gì; cấp dưới
chỉ biết gật đầu, cán bộ tham mưu chỉ làm nhiệm vụ thuyết minh lãnh đạo sáng suốt. Sang thế kỷ
XXI rồi mà còn hoạch định quyết sách theo cách ấy thì thật kỳ lạ.
Giáo sư Kenichi Ohno ở Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản từng nhận xét: sự tăng trưởng kinh tế
của Việt Nam không dựa trên nền tảng của hệ thống chính sách tốt mà nhờ vào việc trước đây
nền kinh tế này hoàn toàn đóng cửa với thế giới, nay mở cửa, nguồn đầu tư nước ngoài tràn vào...
tạo ra tăng trưởng. Hầu hết chính sách được xây dựng với sự tham dự hạn chế của doanh nghiệp,
họ chỉ được phép có ý kiến sau hoặc khi có vấn đề phát sinh... Chỉ có Việt Nam mới áp dụng một
quy trình lập chính sách kì lạ, có một không hai như vậy... Việt Nam nên bắt đầu một quy trình
hoạch định chính sách mới, với sự tham gia cả tất cả các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ,
doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nước ngoài, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia.
(VietNamNet 26/3/2008).
Vinashin là một thí dụ minh hoạ cho nhận xét doanh nghiệp “chỉ được phép có ý kiến” khi xảy ra
vấn đề rắc rối. Nên hiểu là trong khối doanh nghiệp có cả các cơ quan hoặc tổ chức tư vấn (nước
ngoài gọi là Thinh tank). Báo chí và các chuyên gia (như Đỗ Thái Bình, Huỳnh Thế Du, Trần Vinh
Dự ...) đã nêu nhiều ý kiến phản bác chủ trương lấy đóng tàu biển làm quốc sách cũng như ý kiến
về biện pháp giải cứu Vinashin, nhưng có ai nghe họ đâu, và cũng chẳng phản hồi lại.
Thiết tưởng đã đến lúc nhà nước cần thực sự lắng nghe ý kiến của dư luận, nhất là của giới trí
thức, chuyên gia và doanh nghiệp; và có hồi âm công khai chứ không phải nghe rồi để đấy.
Có người lo nếu không tiếp tục bỏ vốn cho Vinashin thì nó sẽ chóng “thành đống sắt vụn”. Nhưng
nếu nhà nước tiếp tục đầu tư thì có lẽ càng nguy hiểm, mất cả chì lẫn chài. Khó mà tin được mấy
vị lãnh đạo mới bổ nhiệm có thể cứu nổi con tàu khổng lồ đang chìm này.
Chúng tôi cho rằng biện pháp giải cứu tốt nhất là tư doanh hoá tập đoàn Vinashin từng phần.
Vinashin có khối lượng tài sản không nhỏ, gần 200 công ty con, đất đai, nhà xưởng trải khắp
nước; một doanh nghiệp dù ba đầu sáu tay cũng khó quản lý nổi. Nhưng nếu bán cho nhiều doanh
nghiệp tư nhân thì nguồn lực này sẽ có thể phát huy hiệu quả, có thể kinh doanh có lãi, vì họ biết
làm ăn hơn các doanh nghiệp nhà nước. Khối doanh nghiệp tư doanh Việt Nam hiện nay đã khá
lớn mạnh, nhiều doanh nhân làm ăn rất giỏi, lại có quan hệ tốt với nước ngoài. Tự họ có thể tìm ra
lối thoát, nhà nước đỡ phải lo và trước mắt có thể thu hồi một phần vốn.
Doanh nghiệp tư nhân phá sản thì nhà nước có thể tiếp quản, còn khi doanh nghiệp nhà nước phá
sản thì có thể để tư nhân tiếp quản, biện pháp này nhiều nước đã làm. Tất nhiên khi thực hiện
phải hết sức thận trọng, tránh để thất thoát tài sản nhà nước; việc này không quá khó.
Nguyên Hải