Khai ấn đền Trần vẫn là lễ của quan
Trước khi lễ hội đền Trần diễn ra, ban tổ chức khẳng định sẽ trả lại lễ hội cho cộng đồng, nhưng đáng tiếc, trong số 1.000 người được cấp thẻ vào đền trong giờ thiêng, quan chức (và người nhà) chính quyền địa phương chiếm áp đảo.
Tại buổi họp báo trước khi diễn ra Lễ khai ấn đền Trần 2013, Phó viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, ông Dương Hồng Quang, người chủ trì đề án Tổ chức lễ hội đền Trần, cho biết đến nay lễ hội đền Trần đã thoát khỏi 3 khủng hoảng là khủng hoảng về hình ảnh, khủng hoảng về giá trị và khủng hoảng về trật tự lễ hội. Ông Quang khẳng định đang đi đúng hướng trả lại lễ hội về cho cộng đồng trong công tác tổ chức lễ hội đền Trần, và có thể tin lễ hội đền Trần sẽ dần tìm lại vị trí một lễ hội lớn của cả nước. Còn bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định, Trưởng ban Tổ chức lễ hội đền Trần thì khẳng định rất chắc chắn về một lễ hội an toàn, trang nghiêm, đậm tính truyền thống. Tuy nhiên, có mặt tại lễ hội năm nay, nhất là đêm khai ấn, người ta sẽ thấy sự thật không hoàn toàn đúng như những gì đã tuyên bố. Trong khi ban tổ chức khẳng định năm nay chỉ cho 1.000 người được vào bên trong khuôn viên đền để đảm bảo lễ rước, đóng ấn trang nghiêm, trật tự, nhưng vào thời điểm khai ấn, trong sân đền Thiên Trường, Cố Trạch có tới gần vạn người.
“Bỏ mặc sự tôn nghiêm, người dự lễ giẫm đạp lên nhau, đạp cả vào lư hương... để ném được tiền vào kiệu ấn hoặc giật được một món đồ trên mâm lễ”
Đáng nói là nếu trả lễ hội về cho cộng đồng thì người dự khai ấn phải là cộng đồng. Nhưng có mặt ở đêm khai ấn, số lượng cán bộ, quan chức chiếm áp đảo. Điểm mặt thấy đủ lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Nam Định, rồi quan chức T.Ư và các địa phương khác. Ngoài ra, hầu như thẻ cũng chỉ được cấp cho thân nhân, người nhà cán bộ vì trong sân đền, chúng tôi gặp rất nhiều những “cậu tú, cô chiêu” mặt búng ra sữa.
Rất dễ nhận ra điều này vì trước lễ khai ấn vài ngày, trong danh sách phát thẻ của UBND TP có đủ các ngành, địa phương đến lấy thẻ, phân rõ đâu là của lãnh đạo, đâu là để ngoại giao. Mỗi ngành của Nam Định được cấp bình quân khoảng 10 thẻ. Chương trình khai ấn cũng không thấy tính cộng đồng ở đâu mà vẫn đậm đặc trách nhiệm của quan chức. Trừ nghi lễ rước ấn do cư dân Tức Mặc thực hiện và việc thủ nhang đền Trần đóng ấn, mọi nghi thức khác như tế, lễ, đóng ấn, tuyên cáo… đều do quan chức chính quyền đảm nhiệm.
Nổi bật là cảnh ném tiền, tranh cướp đồ lễ diễn ra trong sân đền Thiên Trường. Bỏ mặc sự tôn nghiêm, người dự lễ giẫm đạp lên nhau, đạp cả vào lư hương... để ném được tiền vào kiệu ấn hoặc giật được một món đồ trên mâm lễ rồi quay sang hả hê khoe hay than thở, buồn bã vì tiền ném trúng hay không trúng kiệu ấn.
Sự kiện vỡ trận, người đi lễ phá rào xông vào khu vực khai ấn trước sự bất lực của công an đêm 14 tháng giêng cũng là một minh chứng rõ nét cho sự lộn xộn, mất trật tự của lễ hội đền Trần năm nay.
Có tiền mới nhận được ấn
Sự suồng sã với thần linh thể hiện rõ khi trước ngày khai ấn, đếm sơ sơ đã đạt số lượng gần 50 hòm công đức được đặt khắp nơi trong di tích đền Trần. Chiều 14 tháng giêng, nhà đền bày hai hàng bàn chạy dọc lối vào đền Thiên Trường, Cố Trạch với các chồng phiếu ghi công đức được in sẵn các mức đóng từ 50.000 đồng trở lên. Rồi nhân viên phục vụ nhà đền năm nay bán ấn trấn trạch, lệnh bài và cả thẻ cầu may cho xe ô tô để thu thêm kinh phí.
Đến buổi sáng, tuy việc phát ấn đã được tổ chức khá tốt nhưng thực chất người dân vẫn phải bỏ tiền thì mới được nhận ấn. Chúng tôi thử không cầm tiền trên tay, chờ mãi cũng không được đưa ấn, bỏ 20.000 đồng tôi được 1 ấn, cầm 100.000 đồng tôi được 10 lá ấn. Vẫn biết nhà đền cũng cần kinh phí để chuẩn bị giấy mực đóng ấn, nhưng cách làm tốt hơn là để chiếc hòm cho người dân tùy tâm để tiền, ai xin ấn đều được, còn ở đây, dường như không có tiền thì không có ấn, nhiều tiền sẽ được nhiều ấn.
Văn Đông (TN)