Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)

Nhà báo và thi sĩ cách mạng, tên chữ Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, bút danh khác: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thúc Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan.

Ông quê làng Thanh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, phủ Thăng Bình, sau đổi là phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Thi đỗ Tiến sĩ 1904, lúc 28 tuổi, nhưng không ra làm quan nhà Nguyễn, mà tham gia hoạt động trong phong trào Duy tân, bị giặc Pháp bắt 1908, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, đến 1921 mới được trả tự do.

Huỳnh Thúc Kháng

"Lịch sử dân biểu của tôi, kể từ tháng 7/1926 đắc cử ở Trung Kỳ diễn thuyết một lần đầu tiên; đến tháng 10/1928 có một bài diễn văn cuối cùng, trong hai năm ấy, có hai lần phản kháng, người đời truyền là vụ D’Elloy - Huỳnh Thúc Kháng và vụ Huỳnh Thúc Kháng - Jabouille".

Năm 1927, ông đứng ra sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân, chủ nhà in Tiếng Dân tại Huế. Đến năm 1943 báo Tiếng Dân bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong cuộc họp báo 3 giờ chiều 21-3-1946 tại Phủ Bắc Bộ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tuyên bố một dự định mới của Chính phủ về việc mở rộng quyền tự do báo chí [1]

Năm 1946, ông làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán tìm độc lập. Ngày 21/04/1947, trên đường công tác kháng chiến, ông lâm bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 71 tuổi.

Ngoài hoạt động chính trị, Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà thơ, ông đã để lại các tác phẩm: Thi tù tùng thoại [2] , Thi văn với thời đại, Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huỳnh Thúc Kháng niên phổ, Bức thư gửi Cường Để, Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ.

[1Báo chí xuất bản chỉ phải báo trước 48 giờ với nhà chức trách, nhưng vẫn phải kiểm duyệt. Một uỷ ban định thể lệ kiểm duyệt sẽ thành lập.

Bộ Nội vụ sẽ ra một sắc lệnh y cho báo chí từ giờ xuất bản sẽ không phải xin phép mà chỉ cần phải thông báo cho các nhà chức trách biết mà thôi.

Vì tình thế đặc biệt, sự kiểm duyệt vẫn còn giữ. Nhưng việc kiểm duyệt sẽ thi hành trong giới hạn nào cho sự ngôn luận khỏi làm hại đến công cuộc của Chính phủ về mặt nội chính, ngoại giao và quốc phòng. Bởi vậy, một uỷ ban kiểm duyệt sẽ được thành lập. Uỷ ban này gồm năm viên: một đại biểu Bộ Nội vụ, một đại biểu Bộ Ngoại giao, một đại biểu Bộ Quốc phòng, một đại biểu Quốc hội và một đại biểu báo giới.

Quyền hạn của Uỷ ban Kiểm duyệt sẽ là:

1. Đặt những nguyên tắc cho Ty Kiểm duyệt theo đó mà thi hành, sau khi Bộ Nội vụ đã chuẩn y;

2. Mỗi khi cơ quan kiểm duyệt làm sai nguyên tắc, Uỷ ban Kiểm duyệt sẽ xét những lời khiếu nại của nhà báo. Nghị quyết của Uỷ ban (cho đăng hay không đăng) sẽ thi hành nếu Bộ Nội vụ không bác đi sau hạn 48 giờ.

[2Xem thêm văn thơ Huỳnh Thúc Kháng trong sách "Nguyễn Hữu Cầu - chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục", nxb Lý luận chính trị, 2007