ĐÓN XEM CÁC MẨU HỒI ỨC CHƯA TỪNG CÔNG BỐ:

FPT buổi đầu (kỳ 1)

Một hôm vào khoảng năm 1992, chợt nhận thấy số nhân viên đã đông đúc và có thể sinh chuyện tháp Babel, tổng giám đốc Trương Gia Bình bắt đầu nghĩ đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp và biên soạn "Sử ký FPT", nhân đó có gửi thư mời tôi tham gia. Không may đúng lúc sắp đến deadline của một đề tài khoa học cấp nhà nước và một hợp đồng công nghệ cao đều do tôi chủ trì, nên phải gác lại. Hai chục năm thoắt trôi đi, nay về hưu rảnh hơn tôi sẽ viết thành vài kỳ đăng ở đây, mong góp thêm được chút ít kỷ niệm và làm vui mắt sướng tai những ai đang khởi nghiệp.

ĐỔI MỚI

Sau khi Chernenko qua đời, Gorbachyov 54 tuổi được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 11 tháng 3 năm 1985. Ông trở thành lãnh tụ đầu tiên của đảng sinh ra sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917. Tại Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô họp tháng 2 năm 1986 Gorbachyov và phe cải tổ thắng thế. Nội bộ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ít nhiều cũng rung chuyển theo Perestroika. Đặc biệt 3 chuyến thăm của ông tới Đông Đức, Cu Ba và Việt Nam cho thấy mấy "tiền đồn XHCN" không thể nào nhận viện trợ mãi được.

Lúc đó Trung Quốc liên tục chèn ép nước ta về mọi mặt, hàng vạn thanh niên đang phải đổ máu và hy sinh từng ngày ở Campuchia. Kinh tế nội địa đã kém cỏi còn bị bao vây, dân chúng đói khổ, thiếu thốn mọi thứ mà Liên Xô cắt viện trợ thì sẽ ra sao? Rồi hết Tổng Bí thư Lê Duẩn lại đến Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trường Chinh đều qua đời do quá già.

Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, ông Nguyễn Văn Linh được bầu vào chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, năm sau kiêm luôn Bí thư Quân ủy (1987). Ông tuyên bố bắt đầu thời kỳ Đổi Mới và các nhà văn được "cởi trói". Dân chúng càng hân hoan hơn khi được phổ biến tin tức về chủ trương của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa VN lần đầu tiên cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân.

Một buổi tối mùa thu mát mẻ, Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT (Food Processing Technology Co) ra mắt dưới trời sao theo kiểu hội kín (sau này mới thống nhất Quy chế hoạt động, cũng bí mật nhưng tôi vẫn giữ được 1 bản). Hơn chục người còn trẻ tham dự, ngoài ra còn có ba anh già hơn gồm: Đào Vinh của Viện Cơ học, Trần Đức Nhuận và tôi.

Chúng tôi không phải đứng trên bãi cỏ Lam Sơn hoặc quanh gốc đa Tân Trào mà có bàn ghế ngồi đàng hoàng dưới những giò lan xinh đẹp trong tư dinh của Đại tướng Võ Nguyên Gíáp, lại có lính mặc sắc phục ôm súng đứng gác ngoài cổng chính ở phía con đường Hoàng Diệu rợp bóng cây cao. Tuy nhiên cụ Văn (tức Đại tướng) không xuất hiện. Các GS Nguyễn Văn Đạo, Vũ Đình Cự và Nguyễn Văn Điệp là những người đỡ đẻ cho FPT cũng không thấy đến.

Bữa ra mắt ấy tổ chức rất đơn giản và vội vã, cho nên tôi không kịp mượn máy ảnh và mua phim để ghi lại. Trương Gia Bình nói mấy câu khai mạc và giới thiệu mọi người làm quen nhau. Cơ cấu tổ chức cũng đơn giản: Bình là giám đốc (năm sau từ Liễu Giai chuyển sang Giảng Võ có lập thêm ISC do tôi phụ trách thì Bình mới mang chức danh tổng giám đốc FPT). Chỉ có một phó giám đốc là Lê Vũ Kỳ, anh Đào Vinh phụ trách phòng Hành chính - Quản trị và Lê Quang Tiến nắm mảng tài chính kiêm an ninh (?!).

Không có diễn văn, cờ quạt, hát hò gì hết, cũng chẳng phải thắp hương khấn vái thần tài hay thổ công. Bà chủ Võ Hạnh Phúc nấu một nồi canh sườn rõ to để cả bọn chan bún xì xụp húp ngon lành. Trừ mấy tay lặng im quan sát qua làn khói thuốc rẻ tiền khét lẹt, từng nhóm 2 hoặc 3 người cứ chuyện trò vui vẻ, dù chưa nêu lên được đại khái sẽ làm gì ra tiền với 3 "lãnh tụ" đại diện cho 3 hướng công nghệ khác hẳn nhau: Thực phẩm (T.G. Bình), Cơ điện lạnh (T.Đ. Nhuận) và Tin học (N.C. Công)...

Những ngày tiếp theo, trong toà nhà mới xây kiểu ốp đá rửa của Viện Cơ học ở Liễu Giai, nhóm người nói trên bắt đầu hăng hái tự sửa sang một tầng được Viện cho mượn thành nơi làm việc. Vì không có đủ tiền thuê thợ nên liên tục phát sinh các chuyện lạ, đại loại: Hùng "râu" sơn song sắt phòng trộm theo phong cách hội họa của Trạng Quỳnh, tức là nhúng cả 10 ngón tay đi găng vào hộp sơn rồi vuốt lên hai thanh sắt nhằm "tăng năng suất gấp đôi cho nó nhanh"...

Xong xuôi, tôi khệ nệ vác bộ máy tính cá nhân ngày ấy nặng gần nửa tạ đem lên đặt trong phòng cho tương xứng chiếc PC/XT to không kém, vốn mượn từ Tp. Hồ Chí Minh của Vinh "đen" (tức Hoàng Quang Vinh, người sau này sẽ là một sáng lập viên của Techcombank). Còn đại uý Lê Quang Tiến -giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự- nghiêm trang yêu cầu các phòng ban lên danh sách mua sắm vật tư. Cái đám cán bộ, công nhân viên nhà nước quen thói bao cấp liền hồ hởi lên danh sách dài cả một trang giấy to. Mấy hôm sau, chàng này xoay sở thực hiện thế nào cũng chỉ cấp được tạm đủ tủ, bàn, ghế và áo blu trắng để ngụy trang cho chúng tôi cùng mấy sĩ quan chân trong chân ngoài Võ Văn Mai, Đỗ Cao Bảo đến Liễu Giai làm việc như những "viện sĩ" thực thụ...

(còn nữa)

NCCông (FB: Cong Chi Nguyen)