Trần Chiến

Thuý Vân

Bấy giờ gia đình Vương viên ngoại hay tin Thuý Kiều, bèn tất tưởi đón nàng về sau mười lăm năm lưu lạc. Bố mẹ gặp lại con, chị em trông thấy nhau ứa nước mắt, đôi hồi hàn huyên không bút nào tả xiết. Chàng Kim Trọng gặp lại người yêu dấu nhất đời thì đầm đìa lệ, thương cảm không ra được lời nào. Đêm ấy, về đến nhà trọ, cuộc trùng phùng ngây ngất khiến những con người tội nghiệp vì xa cách lúc thì đua nhau nói kể chẳng quản gì tôn ty thứ bậc, lúc thì lặng đắng mênh mông cả gian nhà.

Sáng hôm sau thức dậy, Thuý Vân sang phòng viên ngoại thưa rằng: “Trước đây sở dĩ con được kết duyên với chàng Kim vì chị đã bán mình làm tròn chữ hiếu, không thể giữ lời nguyền nên mới để con nối vào sợi tơ duyên ấy. Nay nhờ phúc ấm, chị con được tái sinh, thì lời nguyền còn đó, ví như không sớm thực hành thì đến lúc nào cho tiện…”. Ông bà Vương vui mừng ưng thuận, bèn bàn định giờ thiêng ngày tốt cử hành lễ hợp cẩn. Đôi vợ chồng Ngâu thế là từ nay hết hạn, không còn cách trở nữa.

Nàng Vân quay về phòng mình thấy người nhũ mẫu là Sương thị đầm đìa nước mắt. Sương thị gắn bó với gia đình viên ngoại đã lâu, từng bế cả ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan, nay đang trông lũ con nàng. Gạn hỏi nguyên lai, bà ta chỉ rầu rĩ: “Cô tính dở rồi cô ơi”, rồi một mực xin về quê. Vân hỏi: “Sao những ngày gia đình hoạn nạn bà không rời bỏ, nay đại hỷ trùng phùng, bà lại bỏ đi?”. Sương thị gạt nước mắt: “Hoạ phúc có nguồn không phải chỉ một ngày, khó nói lắm cô ơi”, rồi khăn gói hối hả lên đường. Gia đình viên ngoại níu buộc không được, bèn độ cho vàng bạc để bà Sương về an lão với con cháu cuốc cầy mộc mạc.

Hôn lễ Thuý Kiều Kim Trọng cử hành đơn giản nhưng đậm đà, rồi vợ chồng viên ngoại trở về chốn cũ. Kim Trọng mang hai vợ - hai chị em cùng đàn con sang Nam Bình nhận chức huyện lệnh. Ngày ngày, chàng Kim tha thủi chốn công đường, trò chuyện với dăm ba tên nha lại, xử vài vụ kiện con con. Tối về chàng thăm qua quýt mẹ con Thuý Vân rồi sang phòng Thuý Kiều ngay. Đối với chàng và nàng Kiều bây giờ mỗi một ngày là một lần mới yêu nhau, mỗi giây phút chuyện trò đều còn tinh sương, như chưa hề có mưa dập gió vùi, mặn nồng hơn cả những cặp vợ chồng bình thường. Nhan sắc đã đến hồi đậm đà của Thuý Kiều, tài cầm kỳ thi hoạ của nàng khiến chàng Kim đắm đuối, không thể rời xa. Dù ở nơi công đường hay bên người vợ hiền cũ kỹ, hoặc chơi cùng đàn con xinh xắn, dĩnh ngộ, lúc nào chàng cũng chỉ mơ tưởng đến cùng ngâm thơ xướng hoạ, nghe câu đàn trác tuyệt của Thuý Kiều, rồi dắt nhau vào cõi Vu Sơn bí ẩn.

Thuý Vân bấy giờ tuổi ngoài ba chục, lòng xuân chưa nguội, hiềm vì bìu níu đàn con mà chẳng để ý đến sự thay đổi nơi chồng. Nàng đã sinh nở vài bốn lần, khuôn trăng chẳng còn đầy đặn, nét ngài đã kém phô tươi. Ban ngày nàng chăm sóc con, tự tay tắm rửa, cho ăn uống, dậy chúng những chữ Thánh hiền đầu tiên. Sương thị đã về, nàng không muốn để ai làm việc đó nữa.Con cái là vàng bạc của nàng, trừ phi tay nàng ra, không ai chu đáo được cho chúng. Tối đến mệt mỏi quá, nàng vật mình xuống ngủ ngay, chẳng kể gì đến dung nhan, điểm tô sắc đẹp như hồi còn trẻ. Kịp cho đến một sáng mai, bắt gặp Thuý Kiều nơi vườn cảnh, nàng thấy mắt chị long lanh sáng, da thịt mình mẩy roi rói tươi. So với hồi đôi tám, mười phần xuân đã gầy mất ba bốn phần, nhưng vẫn còn là trang quốc sắc thiên hương đủ sức làm xiêu lòng mọi đấng nam nhi. Bèn giật mình ngẫm nghĩ, vấn an chị vài câu chiếu lệ rồi về phòng mình, ngồi thừ trước gương.

Chiều hôm ấy, Kim Trọng đi kinh lý xa về, vào thăm vợ con, nàng liền bảo: “Chàng phải để mắt đến việc học của con đi. Thằng bé lớn họcTam tự kinh chẳng thuộc”. Chàng Kim ngần ngừ giây lát rồi buông sõng: “Thì cái đấy nàng bảo lại thầy đồ uốn nắn cho nó chứ. Ta đã trả tiền cho cử nhân họ Dương rồi kia mà”. Nàng lại bảo: “Con bé con hay đái dầm lắm, ngộ nhỡ tì vị nó làm sao…”

Nàng bảo nha môn gọi thày lang ngoài phố. Cứ thầy hay nhất mà triệu. Ai chả muốn chữa bệnh cho con huyện lệnh.

Chàng Kim nói rồi dợm đứng dậy. Thấy vợ đã nước mắt sũng vạt áo, thì hỏi: “Làm sao?”. Thuý Vân thổn thức: “Bấy nay chàng chẳng đoái hoài đến mẹ con thiếp, thật tủi hổ muôn phần”. Kim Trọng an ủi: “Ta bận việc quan quá, ban ngày mệt nhọc, tối thật không muốn sang ngủ cùng, nên có phần sao nhãng. Để đêm nay, ta sẽ đến cùng nàng”. Thuý Vân vui mừng trang điểm, tô lại đôi mày, xức hương thơm nức. Tối ấy chẳng thấy chàng về. Mở cửa sổ ngóng sang công đường thì đèn lửa đã lặng tờ, lại nghe bên kia vang lừng sênh phách, réo rắt câu ngâm. Ngày sau gặp lại, Thuý Vân nhắc, chàng Kim lại y lời. Nửa đêm chàng sang, nàng khấp khởi đón vào, hồ hởi kể hết chuyện con lớn sang con bé, chỉ thấy chồng im phắc, với tay sang đã ngáy pho pho. Mới hay chàng vừa ở bên kia về, đi chợ đã hết tiền, chỉ còn nằm trơ như khúc gỗ, chẳng còn thú vị gì đến nàng.

Đêm ấy nước mắt nàng Vân đầm đìa gối lẻ. Nhưng sáng hôm sau cố dằn lòng, nàng lấy sự dịu dàng hỏi chồng: “Chắc chàng làm việc quan bận bịu lắm, để hôm qua ngủ vùi trong mệt nhọc sớm quá? Có cần để thiếp tìm danh y chạy chữa cho chóng phục hồi”. Kim Trọng đáp hững hờ: “Ờ, có mấy vụ kiện lớn làm ta khó xử, cũng xin nàng đừng vì thế mà lo xa”, rồi rảo lên công đường ngay. Vân sầm mặt, nghĩ giận chồng, giận mình mà không biết tính sao. Việc nhà cứ nặng trĩu, bập bỗng như vậy. Đến tháng năm Kim Trọng đi công việc ở Hàng Châu về, mang cho mỗi người vợ một hộp phấn hoa. Thuý Kiều mừng rỡ đón nhận. Thúy Vân ra chiều dửng dưng. Chị liền hỏi em: “Vân muội không thích hay sao mà làm vậy?”. Vân bảo: “Chị thì mới quen với hương phấn, em sao được thế”. Kiều chạnh nghĩ tới thanh lâu hai lượt thanh y hai lần thuở nào, đau đớn khóc nấc lên. Kim Trọng quở mắng Vân, nàng hoảng sợ quỳ xuống tạ lỗi mà rằng: “Em trót nhỡ miệng, trăm lậy chị tha thứ. Nhưng cũng vì tình phu quân với thiếp trước đầy ăm ắp, giờ san xẻ chả còn một phần”, rồi dập đầu chan chát xuống sàn. Bên này, Kiều thổn thức: “Bây giờ không còn vãi Giác Duyên, tôi biết đi đâu bây giờ”. Kim Trọng cau có dỗ dành hai vợ, bên này bên nọ mãi mới êm. Chuyện cãi cọ đến đấy là xong, nhưng hai chị em không bao giờ vui vẻ đôi hồi nữa, nhác thấy bóng nhau ở đâu là tránh, không đừng được thì chỉ trao dăm ba lời nhạt nhẽo. Vân càng năng đi chùa, sống khép mình, từ chối mọi bổng lộc của chồng đem về. Có bận Kim Trọng phải tìm đi tìm vợ đã ở lỳ mấy ngày trên am Thảo Nguyên, hỏi thế nào cũng chẳng tỏ duyên do. Nhưng nàng không thể trái lời chồng mà vào ở hẳn chùa, thiên hạ sẽ nghĩ gì về gia đình quan huyện lệnh…

Sang xuân năm sau, ông bà viên ngoại từ quê nhà sang An Bình thăm hai con gái và chàng rể, lạ lùng thấy Thuý Kiều nhuận sắc, rạng rỡ, còn nàng Vân bủng beo thảm đạm. Giữa cuộc trùng phùng gạn hỏi, chỉ thấy nước mắt chẩy vào trong. Đến khi về phòng riêng, Vân oà lên thưa cùng cha mẹ: “Con không có phúc, chẳng được chồng yêu”. Viên ngoại bảo: “Sao lại nói thế. Kim Trọng là người biết ăn ở, đã có với nhau ngần ấy mặt con lại còn bảo không được chồng yêu là thế nào”. Vân đáp: “Con biết điều ấy từ khi chị Kiều về nhà. Ở chung, tự nhiên chàng quên hẳn con đi. Tình xưa chỉ là tình gia giáo, xếp đặt thôi, chứ thực lòng chàng chỉ nghĩ đến chị con”. Viên ngoại bèn mắng: “Tự dưng lại giở giói. Mày là đứa không biết nghĩ. Chị Kiều đã vì bố mẹ, chị em mà bán mình đi, lưu lạc mười lăm năm, khổ nhục ê chề mới trở về, phải có quyền hưởng tình âu yếm của Kim Trọng chứ. Chẳng phải trước kia chính mày đã nói để hai đứa nó nốiduyên lại với nhau hay sao?”. Vân đáp: “Con biết chứ”. Viên ngoại bảo: “Thiên hạ bao nhiêu gia đình có chồng chung vẫn êm ấm, sao mày không chịu yên một bề, hở con bất nghĩa với chị?”. Vân lại đáp: “Khổ là con cũng biết thế”. Rồi chết giấc đi, đổ bao nhiêu nước gừng vào miệng mới tỉnh lại.

Bấy giờ chỉ còn lại hai chị em, phu nhân ép Vân uống chén sâm hấp, rồi gạn hỏi: “Thế chị Kiều có biết tình cảnh của con không?”. Vân đáp: “Có biết. Nhưng chị em khó nói với nhau lắm. Không nói với nhau được hết nhẽ như xưa”. Phu nhân bảo: “Để mẹ nói với Kiều, chị em lấy chồng chung, san xẻ nhịn nhường nhau, lọt sàng xuống nia chứ đi đâu mà thiệt”. Vân kêu lên: “Giời ơi, cái khối tình chẳng thể nào chặt ra chia đều như phân vàng khối bạc được. Nhịn nhường thì ấm ức. Cãi nhau chẳng có lý nào. Không lẽ chị Kiều lại đi tu, hoặc con tách ra ở riêng. Cái sự tử tế nó làm hại cả nhà này”. Nói rồi nín hẳn, không ai cậy miệng ra được nữa.

Quá ba năm ở An Bình, nhờ làm quan giỏi, Kim Trọng được thăng chức ngự sử, về kinh nhận nhiệm sở. Đi theo chàng chỉ có nàng Kiều. Ai hỏi đến Vân, chỉ thấy hai người ngậm ngùi mà chẳng bảo sao.

Người ta bảo ở An Bình có người đàn bà họ Vương tâm tính nhu mỳ, hiền lành phúc hậu, ai ai đều quý mến. Vương thị chẳng biết gia thất ra sao, nhờ nghề làm tào phở ngon mà nuôi được đàn con đông đúc. Sống cùng gia đình có bà nhũ mẫu họ Sương, vẫn đỡ đần giúp giập khi trái nắng trở giời, Vương thị hay lên cơn lẩn thẩn.

T.C. 1993