Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Như phim

Trần Chiến

Như phim

Thứ Hai 25, Tháng Giêng 2010, bởi Trần Chiến

Đang xem Pie Cạcđanh trên tivi thì mùi phấn ập vào. Khách đi xe Dylan trắng muốt, kính râm đeo ngược chỏm tóc, váy trên đầu gối và áo hai dây rung rung, chả ca ve cũng gái gọi.

Đu đưa trên đôi chân dài đi giày cao gót vàng, cô gái bay lượn từ lũ áo dạ hội sang đồ lót thêu đăng ten. Hông rất dẻo, tay đánh thõng ra tận đít, lại thêm một “đặc điểm nhận dạng” nữa: kiêm người mẫu. Người mẫu lướt cái nhìn qua tôi như qua bộ ấm chén, “yết kiêu” ra gì. Ngược lại, tôi điểm qua cái eo thon, đoán rằng bộ ngực có tí mút rồi trở lại với Pie. Chả phải không thích ngắm mà là một thủ thuật, không vồ vập để khách thấy mình cũng “cành cao”. Tôi “tia” rồi, ví đính dây dài khoác vai dù mác Lui Vúttông cũng chỉ là hàng Tàu, cùng lắm trăm rưởi bọ.

Đong đưa mãi cũng dừng chỗ tôi. “Anh có thể tư vấn cho em được chứ?”, rất đúng điệu. Tôi làm bộ sẵn sàng nhưng cố để lộ tẹo miễn cưỡng.
— Cô biết mình muốn gì chưa?
— Em không rõ lắm. Em sắp đi một dạ hội, có khách nước ngoài, vài đại gia, đại loại là những người khó tính.
— Em làm ở đâu?
— Em là Ngân đến từ công ty Iuni Livơ, anh biết chứ?

Iuni Livơ là công ty mỹ phẩm nổi tiếng, ai lạ gì. Nhưng cái lối hỏi coi thường làm tôi cáu tiết. “Thế mà tôi cứ tưởng cô đến từ Chà Coong”.

Đòn mạnh làm mặt phấn đỏ gay. “Ơ, sao anh biết?”.
— “Chà Coong xì sẳn, sảm huôi”, bản em bốn gò ba suối chứ đâu. Anh đây Chà Me, em đái xuống Nậm Phơn là anh được uống.
— Khổ thật, em đã cố giấu mà anh vẫn đọc ra vở.
— Ai bảo pha tiếng, quá bằng chửi cha. Chắc em được ra nước ngoài thì không nhận mình người Việt.
— Sao anh biết em muốn ra nước ngoài?
— Đoán thôi. Mặc đẹp chắc muốn câu thằng Tây già…
— Anh ác thật. Mà chắc anh cũng muốn được con nái sề giàu có.

Lần này thì Ngân nói đúng, chắc bộ điệu nó tố cáo tôi. Nên câu chuyện trở thành giản dị, sau khi cho nhau biết tên thì đổi sang tiếng Thái. Bản cô phía nguồn Nậm Phơn, chỗ từ Lào chảy sang, phát nương trên đồi, quăng chài dưới sông, giữa thi thoảng có mạch vàng, nghĩa là không thể đói. Nhà còn bố mẹ và em trai, phải đi thế này phải xinh đẹp thế này là có chuyện gì tật gì rồi… Tôi ở chỗ Nậm Phơn pha nước vào sông Cà, vùng bán sơn địa chó ăn đá gà ăn sỏi trồng sắn mãi càng gầy kiệt, mấy năm nay phủ keo, mỡ vào mới mọc lên đôi bụi cỏ. Tôi theo anh Khảm làm phụ hồ từ mười lăm tuổi, hát “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn” đến lúc anh Khảm bảo mày thế không làm phụ được. Bắt đầu quăng thân vào gió bụi, kể ra thì rất mất thì giờ cô bé ạ, đại loại trước Tết về quăng cục tiền cho mẹ rồi lại đi, có khi về không.

Hai đứa buôn ề à. Đồng hương gặp nhau đáng phải vui, nhưng vì đang diễn vở mà bị đọc vị nên ngượng chứ. Càng ngắm tôi càng thấy Ngân đẹp, eo thắt, lưng mềm cong cong như con ong chăm chỉ. Con gái Chà Coong đâu có giống da trắng thế, chỉ tội lông mày tỉa kỹ quá khí trơ. Nhưng bì thế nào được với Bácbara.

Tôi biết Bácbara năm ngoái, khi cô dẫn về cửa hàng thời trang. Nhưng phải kể lên đoạn trước đã. Hết đời phụ nề, tôi đưa bún, buôn gà chó, có lúc nằm khám vì cắt trộm cáp điện, rồi lại đánh thuê cho các đội bóng chuyên nghiệp dư khi có giải của ngành bưu điện hay ngân hàng gì đó. Thủ đô như cái chảo khổng lồ, hành mỡ thịt chó bánh chưng nhân mắm tôm vứt vào đảo lên ăn được tuốt. Vận tôi sang quý dần, đang phập phù đi dán tờ quảng cáo thông tắc bể phốt thì thằng Tá bảo mày mét bảy lăm, người dẻo thế sao không vào vũ trường. Kể tôi cũng có khiếu nhảy múa, có lẽ vì thuở bé dập ống bương xuống sàn ngọ nguậy suốt đêm quen, nên một tuần thuộc bốt tông, hai tuần thạo cha cha cha, hết tháng đã quay van ngược thuần thục. Sàn nhảy xanh đỏ đèn quay, rất thơm, mồ hôi quyện với phấn, chả ai ngửi ra mùi gà mùi trại ở tôi. Các cô trẻ đến thường có đôi và “giãy” sành điệu rồi, các bà cô là phần của trai nhảy, cứ dìu dắt tận tình, đúng nhịp chưa cần đẹp là có thưởng. Tôi không làm trai của riêng ai, ai gọi là ra, nhờ vậy mà tránh được cái lối sở hữu, tuy có thể kiếm nhiều hơn nhưng ối phiền phức. Chảy máu có khi!

Rồi cô gọi tôi ra bảo về làm riêng cho hiệu thời trang thu nhập còn hơn đây. Nhân viên toàn nữ: Ônga tóc vàng rơm, Mácgarít quăn dính lấy da đầu, Mađônna tròn mẩy, ai cũng cao lớn, ít lời. Mình mình đàn ông, kể chọn lựa cũng sướng. Nhưng khi cô giới thiệu Bácbara thì ý nghĩ ấy tắt ngay, tuy chưa biết vì sao…

“Để xem em có duyên bán hàng hay không rồi sẽ tăng lương…”, cô bảo tôi, thay đổi cách gọi. Công việc không tốn mồ hôi như ở sàn nhưng phải dẻo mỏ, mách bảo khách thật “máu” chọn hàng, với người tinh tế lại hờ hững, chen vào hăng quá họ chán. “Tư vấn là nghề tâm lý mà. Nhưng em đừng lo, cứ xem các sâu truyền hình và tạp chí thời trang là sẽ vỡ ra”. Tôi lo đâu mà lo. Đang quay cuồng nhễ nhại mà được ngồi xem ti vi lên mạng suốt ngày, có khách mới phải đứng dậy, khéo béo hú con lợn mất. Tôi sẽ ngủ chung với nhân viên, đỡ hẳn tiền trọ, sáng tối quét dọn đóng mở cửa, việc hàng ngày hàng mùa họ mặc gì không mặc gì là của cô. Cứ biết thế đã.

Đêm đầu tiên, tôi duyệt đàn tiên của mình. Ônga đẹp lộ liễu, Mácgarít nhìn một lúc ra mũi hin. Mađônna hứa hẹn dục tình sôi nổi. Nhưng khi giáp mặt Bácbara thì tất cả tan biến. Làn da bánh mật, tầm vóc vừa phải, tóc đen, nghĩa là chả khác gì ai mấy. Nhưng có cái gì đấy trong cái nhìn vừa quen thuộc vừa bí ẩn, trong bộ điệu ngập ngừng. Lúc nào Bácbara cũng ngập ngừng, chả ra lời bao giờ mà cứ như hứa hẹn, lại như sắp từ chối, đẩy mình ra xa. Khi tôi nói điều ấy với nhà tạo mốt thời trang tư vấn cho cô, ông ấy bảo có lẽ đó là hiệu ứng “Người đàn bà xa lạ” hay La Giôcông gì đấy. Tôi nào có quen biết đám ấy, chỉ thấy thích, bị hút vào Bácbara thôi.

Nàng thật mạnh mẽ, sải những bước dài, dứt khoát trên sàn diễn thời trang. Ánh sáng dập dìu trên đầu, đôi mắt đang tối thẫm thoắt chuyển sang lai láng rực rỡ. Rồi nàng bước dưới nước lên, những hạt óng ánh trượt trên làn da láng phủ lớp lông tơ nâu nâu. Lúc khác, nàng là công chúa chạy trong rừng thưa, hoàng tử tôi đuổi theo, tóm được nàng sau một thân cây. Chúng tôi hôn nhau say đắm… Những hình trôi ru tôi ngủ quên tắt ti vi. Sáng ra tôi dậy sớm được, dọn dẹp hàng họ kịp nhưng cô bảo ti vi còn ấm đấy sau không được ngủ muộn, giọng chẳng gay gắt.

Đêm thứ hai tôi tàn bạo khám phá. Mađônna vú bánh dày tròn trịa. Mácgarít chũm cau thanh thoát, Ônga núm còn hồng. Nhưng tới Bácbara thì chịu. Đang mùa hè, nàng chỉ áo hai dây màu cánh sen quần bò mài, mà khiến tôi không sàm sỡ. Không phải sợ ăn tát đâu, chỉ e nàng sẽ không bao giờ mở lời nữa. Ai thế, ai gieo vào đầu tôi hy vọng rằng đến một hôm nàng sẽ nói những lời yêu đương. Cho mày chứ còn thằng nào!

*

Sang tuần thứ hai cô đến buổi tối, lúc tôi mắt lướt oép mắt canh tivi. Xem xét chi thu sơ sài rồi cô lên gác, ới tôi mang cho bộ bikini mầu đỏ tái trong ngăn kéo thứ ba tủ bên phải. Tôi chả lạ gì những trò dâm ô nên lột phăng ngay hàng họ ra dúi vào. Xong xuôi rất nhanh, cô có vẻ thất vọng, chớp chớp hàng my xanh lơ: “Anh không thể ngập ngừng, lãng mạn hơn à?”
— Thì cô thuê cháu chỉ để làm việc này còn gì.
— Làm việc gì thì cũng phải có phương pháp. Mà còn cô với cháu gì nữa, chỉ là trước mặt người lạ thôi, em nói thế anh có hiểu không?

Tôi hiểu ngay, đóng vai người tình mê văn mẩn say thị đắm. Cô khen “có thế chứ”. Tôi được thưởng sau mỗi lần mệt mỏi, có tiền dúi về quê cho mấy cái tàu mồm há không bao giờ đóng lại được. Nhưng lại hờn dỗi với Bácbara. Những lúc ấy, sao nàng không chạy lên cản lại để con nái sề khỏi dúi vào ngực tôi thổn thức “em thiếu tình cảm lắm”. Cô tàn nhẫn lắm, biết không Bácbara?

*

Ngàn (tôi đã biết tên thực của Ngân, cũng như cô giờ gọi tôi là Phủng chứ không phải Phong nữa) trang điểm sơ sài, cổ áo loe xoe đống đăng ten, rõ ra con ở mặc áo chủ thải ra. Đi lại chán, không thể dứt được tủ áo tủ váy tủ giày tủ đồ lót, nó ngồi xuống ghế nệm bắt chéo hai chân hệt “em xi” trên vô tuyến. Và vớ một tạp chí thời trang nghiên cứu truyện diễm tình - thể nào cũng có bờ vai bờ môi nước hoa Chanel 5 và hoa tặng ngày Valentin. Và mưa, thiếu thế nào được.
— Em chưa được ai tặng cho co la te với mời uống ca phé cả.

Ngàn tuyên bố rồi bất ngờ chấm chấm mắt. “Yêu nhau dăm năm trời rồi bất ngờ chia tay thế này, em thương lắm”. Cái lối mủi lòng bất ngờ làm tôi điên tiết: “Đã bán trôn mà còn…”

Ngàn thỉu đi như bị cú đánh ngang người, một tẹo nổ “oành”:
— Đồ đĩ đực!
— Đồ đệm thịt! Chăn ba bẩy độ!
— Thằng chó! Mày thế nào chả phải khen con chó cái béo hú ấy là người nó chuẩn hơn á hậu chỉ thua mỗi hoa hậu.

Chúng tôi đứng cả lên, đối diện nhau, mắt long sòng sọc, những câu chửi đầy cả mồm không câu nào chen ra trước được. Mắt Ngàn có cái gì đấy làm tôi xụi xuống: “Mày nói đúng đấy. Tao rất hay phải khen nó”. Ngàn bất ngờ dụi đầu vào ngực tôi, tay đấm thình thịch: “Đồ ác độc. Anh ác hơn con rắn cạp nia!” Tôi chỉ còn biết ôm lấy cô vỗ về “thôi mà thôi mà không thì em lại giống mấy bà thất tình trong báo thời trang báo người đẹp rồi”, đến một lúc thì lần tay xuống dưới.

Chúng tôi vào trong nhau một cách quá đơn giản. Chả có lời lẽ nào, không hôn hiếc, ngay dưới sàn đá, chó đực chó cái cũng chỉ ư ử đến thế là cùng. Cuốn tạp chí bị đạp rách toang. Thật ra tôi không được thoải mái lắm, nhỡ ra cô đập cửa. Bèn bảo Ngàn về lần sau mình đi chỗ khác.

May. Cô đến thật, lúc về nhìn dò xét: “Anh trả bài kém lắm. Hay là mực đổ đi đâu…”. “Ở nhà báo mẹ anh bị bỏng”, tôi nói tránh, “nhưng cũng chưa cần về ngay đâu”. Cô cẩn thận hỏi han mãi mới đẩy xe SH ra cửa.

Người tôi rũ như đem bỏ chảo rang, quắt hơn miếng thịt trâu hong trên bếp ở quê. Đã thỉu đi thì chuông reo, tiếng Ngàn: “Em muốn gọi anh ngay nhưng có khách. Phải tiếp hai thằng một lúc, chúng nó trẻ, mệt quá. Em đi tắm chỉ sợ anh gọi đến. Anh mệt à?”
— Bà béo kiểm tra sức khoẻ. Không đạt!
— Anh khoẻ bỏ xừ!
— Em tiếp khách bao lâu rồi mà còn “máu” thế?
— Chỉ thích với anh thôi. Hai thằng rồi bảo em như cục gỗ cục băng cục cứt.
— Có trẻ con à?
— Con chị Hiều, em trông hộ chị ấy đi khách. Thôi em hôn anh đừng bảo em giống trong báo thời trang nhé…

Tôi lê ra quán mua góc chai, khật khừ xem tivi mãi mà không ngủ được. Chợt nghe tiếng hì hì Bácbara bảo: “Tôi rất đẹp hơn hai con kia”.
— Nhưng chị kiêu lắm.
— Chuyện… Làm thế là để cậu còn phải phấn đấu.
— Tôi chả phấn đi đâu hết. Con Ngàn nó đang rủ tôi về.

Thôi nào. Cậu không thể từ bỏ ước mơ dễ thế. Người cậu rất chuẩn, lên sàn diễn thời trang đẹp, chỉ phải tập cho đỡ cứng.
— Ư ừ…

- Rồi còn lên phim. Cậu đuổi, tôi chạy vòng qua bụi hoa ba lần thì bắt được, chúng ta hôn nhau hồi hộp, đầy bỡ ngỡ. Bọn trẻ trong rạp phát điên lên tìm cậu xin chữ ký, khối con muốn sờ vào áo cậu mà không được.
— Ờ ờ…
— Không cần tôi nâng cậu lên cho bằng cho hơn người khác nữa hả. Thôi thế thì thôi về xó rừng thân yêu của cậu đi.

Câu tàn nhẫn làm tôi tỉnh hẳn. Ối giời ơi tương lai ơi đừng bỏ tôi. Nhưng Bácbara đã khinh bỉ nhìn tôi như thằng phỗng.

Nhà nghỉ Ngàn hay vào chỉ lấy nửa tiền. Sau cơn mệt mỏi phần tôi là cơn tâm sự bên kia. “Thủy điện có lợi đâu đâu, chứ với rừng núi quê em như phải cây gậy ông khổng lồ Ải Lậc Cậc dộng xuống. Lộn phộc lên hết. Bao nhiêu gốc rễ trốc cả. Dân về chỗ mới chật chội, thiếu nương, không có sông quăng chài với rừng măng. Anh nhớ nậm pịa [1] không? Mẹ ốm, bố buồn uống rượu, thằng em dở người. Con gái đi cả. Em là đứa thứ mười chín. Mà con gái Chà Coong đẹp có tiếng, anh biết rồi còn gì”.
— Ờ. Em biết mầu kem dâu thế nào không?
— Anh điếc à? Em bảo này chúng mình về với nhau được đấy. Em có ít vốn rồi, cả hai đều có sức, không ngại làm là sẽ khá. Mà chả ai biết chúng mình đã làm những nghề gì. Anh không ghê em chứ?
— Về với bố nghiện em dở à?
— Ở riêng chứ. Thỉnh thoảng thăm thôi, bố chả xin mà sợ.
— Bácbara bảo anh sẽ đóng bá tước.
— Thế thì đi với cái con chó cái ấy của anh đi, cả con chó cái béo hú nữa.

Tôi không gặp Ngàn nữa. Cô đã đi trại, bị “ết” hay thành chủ cửa hàng may? Tôi đi khỏi quê chả có lý do nào thì có cớ nào để mà về. Trai gái quê tôi đua nhau đi cả, người già ở lại lo đám ma chẳng còn ai theo khóc lóc.

Cô đến, long sòng sọc. “Anh gọi điện nhiều quá. Cái số 09… này một tháng sáu lần, là của con nào? Anh biết tôi kéo anh từ sàn nhảy về để làm gì chứ? Nếu chỉ trông cửa hàng thì chả đến lượt. Mà lần nào anh cũng như con giun chết, là vì con nào? Con nào?”
— Thưa cô, Bácbara ạ.
— Này Bácbara!

Áo phông kem dâu đứt phựt. Những mảnh nhựa tung toé, rơi xuống sàn nảy tung lên. Bácbara vỡ tan. Cái con manơcanh Bácbara ấy.

Ngàn đi rồi. Tôi ra đê. Như trong phim.

T.C. (NĐBND)


[1Món ăn của người Thái.