Nguyễn Hải Hoành
Simone de Beauvoir, người tình trọn đời của Jean Paul Sartre
PhápSimone de Beauvoir (ảnh AP năm 1965) là triết gia, nhà văn và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Pháp; được gọi là người làm thay đổi giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX.
- Sartre và Beauvoir
Jean Paul Sartre là đại diện của triết học hiện sinh [1], một trào lưu triết học từng có ảnh hưởng lớn trên thế giới hồi giữa thế kỷ XX. Cuộc đời ông chính là một trải nghiệm của trường phái triết học ông đại diện, trong đó có cuộc sống tình cảm. Jean Paul Sartre không lấy vợ, nhưng ông có người bạn tình trọn đời là Simone de Beauvoir; tình cảm hai người không xa rời nhau suốt từ năm 1929 khi gặp nhau lần đầu cho tới năm 1980 khi Sartre qua đời, mười năm cuối cùng ông chung sống với bà như vợ chồng. Nhưng họ không cưới nhau, không liên tục sống chung một mái nhà, tuy có dịp là ở bên nhau. Hình như giữa hai người chỉ có một mối “tình bạn kiểu chủ nghĩa hiện sinh”.
Simone de Beauvoir (1908-1986) là triết gia, nhà văn và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Pháp; được gọi là người làm thay đổi giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX. Tổng thống Pháp François Mitterrand từng ca ngợi bà là “một trong những nhà văn bậc thày, nhà tiên phong vạch thời đại. Cuộc đời của bà, các tác phẩm bà viết và cuộc đấu tranh của bà đã nâng cao giác ngộ của tất cả những người đàn ông và đàn bà nước Pháp cũng như toàn thế giới”. Tên bà được đặt cho một cây cầu bắc qua sông Seine thơ mộng đoạn chảy qua Paris, tiếng Pháp gọi là Passerelle Simone de Beauvoir. Cầu do kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger thiết kế, có hình dạng độc đáo như một con mắt mở. Thư viện quốc gia Mitterrand sừng sững bên này cầu, sang bên kia cầu ta sẽ gặp tòa kiến trúc đồ sộ trụ sở Bộ Tài chính Pháp và công viên Bercy xanh tươi êm đềm.
Simone de Beauvoir sinh năm 1908 trong một gia đình khá giả ở Paris; cha là luật sư tòa án Paris, mẹ là một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo. Trong thời gian học đại học, Beauvoir rất giỏi các môn văn và toán. Tốt nghiệp Văn khoa trường đại học Paris năm 1927, tiếp đó bà đi sâu vào triết học và dự định lấy bằng thạc sĩ triết học (agrégation de philisophie), một học vị rất khó đạt.
Năm 1929, trong thời gian sắp diễn ra kỳ thi nói trên, Beauvoir hợp tác với một nhóm sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Paris, trong đó có Jean Paul Sartre; hai người cùng nhau chuẩn bị trả lời các đề thi.
Kết quả kỳ thi: Jean Paul Sartre 24 tuổi đỗ đầu bảng nam (thi lần 2), Simone de Beauvoir 21 tuổi đỗ thẳng, đứng thứ hai bảng nữ (trước đây Pháp cũng phân biệt nam nữ nên xếp hạng riêng). Như vậy hồi ấy Beauvoir là người trẻ nhất được phong học vị thạc sĩ triết học trong lịch sử nước Pháp. Giáo sư André Lalande chánh giám khảo kỳ thi này giải thích: “Sartre có đầu óc xuất chúng, nhưng Beauvoir mới là nhà triết học thực sự.”
Do luôn làm việc bên nhau nên giữa đôi bạn trẻ khác giới Sartre và Beauvoir đã nảy sinh tình cảm. “Tháng 8 năm ấy, khi lần đầu chia tay nhau, tôi đã linh cảm thấy anh sẽ không bao giờ ra khỏi cuộc đời của tôi.” – Beauvoir viết và nhận xét: “Đây là một kiểu tình yêu có tính tất yếu giữa hai chúng tôi. Sau này chúng tôi sẽ đi tới một kiểu tình yêu có tính ngẫu nhiên.” Quả thế, mỗi lần ngẫu nhiên gặp nhau, họ lại sống như vợ chồng, tuy vẫn tôn trọng người kia có quan hệ tình cảm với một kẻ thứ ba.
Sartre từng nói với Beauvoir: “Anh yêu em nhưng anh không phải là kẻ tôn thờ chế độ một vợ một chồng.” Suốt đời họ không lấy nhau có lẽ vì ngại cuộc sống hôn nhân sẽ hạn chế sự tự do của mỗi người. Ai cũng biết Sartre vô cùng coi trọng tự do cá nhân, ông tán thành quan điểm tự do là giá trị tối thượng của con người, đã là người thì nhất thiết phải được tự do. Từ quan điểm đó sau này ông kế tục và phát triển trường phái triết học hiện sinh.
Năm 1931, Bộ Giáo dục cử Beauvoir đi dạy trung học ở Marseilles miền Nam nước Pháp, Sartre đi Le Havre một thành phố miền Bắc. Cặp tình nhân thế là mỗi người một phương, chỉ có dịp chung sống với nhau trong kỳ nghỉ hè. Rồi một mối tình có tính “ngẫu nhiên” nhanh chóng gậm nhấm cuộc sống của họ: không hiểu từ đâu cô học trò của Sartre là Olga Kosakiewwicz xuất hiện và xen vào giữa hai người. Tình cảm Sartre dành cho cô gái này đã mang lại cho Beauvoir đề tài để bà viết nên thiên tiểu thuyết đầu tay "Nữ khách" (L’Invitée), xuất bản năm 1943. Tác phẩm này khá thành công, đặt nền móng cho hoạt động sáng tác của bà sau này.
Khi phát xít Đức tấn công Pháp, Sartre bị tổng động viên vào lính và ra mặt trận. Triết gia trẻ này ngày nào cũng viết thư cho người tình của mình mà ông gọi là “con hải ly mê hồn yêu quý”. Hải ly là biệt hiệu của Beauvoir do một nhóm sinh viên triết đặt ra năm Beauvoir 21 tuổi, vì từ Beauvoir rất giống từ Beaver (con hải ly) trong tiếng Anh.
Trong chiến đấu, Sartre bị quân Đức bắt làm tù binh, nhưng một năm sau thì được tha (1941). Trở lại Paris, Sartre tham gia phong trào chống phát xít, thường xuyên cùng các đồng chí của mình họp kín tại nhà mẹ Beauvoir.
Trải qua những ngày đối mặt với cái chết ở chiến trường, Sartre có dịp suy ngẫm sâu sắc về ý nghĩa của tồn tại cá nhân; tư duy đó đã giúp ông viết nên tác phẩm triết học quan trọng "Tồn tại và Hư vô" (L’Être et le Néant), xuất bản năm 1943. Với tác phẩm ấy, ông được coi là người sáng lập chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) ở thế kỷ XX, thứ triết lý chính ông tự trải nghiệm đến chết; nó cho rằng cái tồn tại không phải là khách thể mà là chủ thể, nó nhấn mạnh sự tồn tại của cá nhân là căn cứ của mọi sự tồn tại khác. Theo ông tồn tại có trước bản chất (Existence precedes essence), ngược với tư tưởng của Platon. Cá nhân và tự do cá nhân được nâng lên tầm cao nhất. Học giả Hồ Thích có một câu nói thấm đậm chủ nghĩa hiện sinh: Đời người chẳng có ý nghĩa gì hết; vấn đề là ở chỗ ta đem lại cho nó ý nghĩa gì. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa chủ nghĩa hiện sinh là “khuynh hướng triết học quan niệm con người là độc nhất và đơn độc trong một vũ trụ lãnh đạm, thậm chí thù nghịch; con người là tự do và chịu trách nhiệm về hành động của mình.” Từ điển Tân Hoa (Trung Quốc) theo quan điểm Mác-xít cho rằng chủ nghĩa hiện sinh “phản ánh sự đồi bại thối nát và tâm lý bi quan tuyệt vọng của giai cấp tư sản thời đại chủ nghĩa đế quốc”. Thời gian gần đây, cách đánh giá đó dần dần có sự thay đổi, nhất là khi xem xét dưới quan điểm chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng giáo dục, người ta thấy có thể hấp thu được một số điều bổ ích từ triết học này. Công cuộc cải cách giáo dục của một số nước đã vận dụng triết học hiện sinh để nâng cao vai trò của học sinh trong mối quan hệ thày trò. Vấn đề này nếu có dịp chúng ta sẽ bàn sau.
Các khái niệm của triết lý hiện sinh được Soren Kierkegaard (1813-1855) đưa ra từ một thế kỷ trước, sau đó được Friedrich Nietzsche (1844-1900) và Martin Heidegger (1889-1976) kế tục. Sartre đã phát triển và hoàn chỉnh nó trong điều kiện cuộc sống nhân loại đã được hiện đại hóa ở thế kỷ XX. Triết học hiện sinh có ảnh hưởng lớn trong hai thập niên 50-60 thế kỷ XX; về sau tuy nó bị các tư tưởng triết học chủ nghĩa kết cấu và chủ nghĩa hậu hiện đại che lấp dần, song Sartre vẫn được coi là nhà tư tưởng lớn đã phản ánh tinh thần của thời đại. Năm 1964 Sartre được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel nhưng ông từ chối nhận vì không muốn mình biến thành một thiết chế xã hội ảnh hưởng hoạt động chính trị.
Ngoài ra Jean Paul Sartre còn là nhà văn, nhà viết kịch. Tiểu thuyết "Buồn nôn" (La Nausée) xuất bản năm 1938 cùng nhiều tác phẩm khác của Sartre đều mang màu sắc chủ nghĩa hiện sinh. Là bạn đời của ông, Beauvoir dĩ nhiên hăng hái ủng hộ triết học ấy.
Sau chiến tranh, tháng 10-1946, Sartre mời một số bạn cùng sáng lập nguyệt san “Thời Hiện đại” (Les Temps modernes). Beauvoir cũng tham gia ban biên tập tờ báo này.
Sau khi Sartre trở thành triết gia và nhà văn nổi tiếng, nhiều người cho rằng Beauvoir “núp bóng” Sartre. Điều đó làm bà có chút bực mình. Có lần bà nói: “Tại sao chẳng ai cho rằng Sartre là bạn đời của Beauvoir nhỉ ?”
Năm 1949, Beauvoir xuất bản tác phẩm "Giới tính thứ hai" (Le deuxième sexe) nhằm vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới chiếm một nửa nhân loại. Cuốn sách trình bày những quan điểm lý luận và đưa ra các hình thức đấu tranh giành nữ quyền. “Không phải người ta sinh ra đã là đàn bà, mà là con người biến thành đàn bà.” – Beauvoir viết. Bà nhận xét: xưa nay phụ nữ bị coi là người “thuộc một giống khác” với đàn ông, nói cách khác, là loại người “thứ yếu” bên cạnh loại người “chủ yếu”; quan điểm này là kết quả do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tạo ra chứ không có liên quan gì tới thiên tính của giới nữ; chỉ bằng cách làm việc và có nghề nghiệp, người phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội.
Giới tính thứ hai đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi ở Pháp; nó được các nhà hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới, nhất là ở Mỹ, nhiệt liệt hoan nghênh. Tác phẩm này nhanh chóng được dịch ra 19 thứ ngôn ngữ khác. Tại Mỹ, nó trở thành sách gối đầu giường của những người theo phong trào nữ quyền và Beauvoir được gọi là "Bà mẹ của phong trào nữ quyền". Không chỉ đấu tranh giành quyền cho phụ nữ mà bà còn hăng hái chống chủ nghĩa thực dân, vạch trần tội ác của quân đội Pháp tại Algeria, chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Chính nhờ sự đấu tranh kiên trì của bà mà quyền tự do phá thai sau này được pháp luật nhiều nước thừa nhận; đây là một thắng lợi lớn góp phần quan trọng giải phóng phụ nữ. Nhà hoạt động nữ quyền Mỹ Kate Millett cho rằng tại nước Mỹ, tên tuổi của Beauvoir vượt xa Sartre chính là do bà được phụ nữ Mỹ tôn sùng, “Bà ấy đã mở ra cánh cửa giải thoát cho phụ nữ toàn thế giới … Tác phẩm của Beauvoir đã làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người.” – Kate Millett nói.
Beauvoir còn viết truyện dài "Các vị quan" (Les Mandarins) kể lại đời sống giới trí thức cao cấp ngụ tại khu Saint-Germain (Paris) sau đại chiến II. Tiểu thuyết được tặng giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp – giải Goncourt năm 1954. "Các vị quan" phác thảo bức tranh một số nhà trí thức theo chủ nghĩa xã hội ngoài đảng Cộng sản mong muốn xây dựng một châu Âu XHCN sau đại chiến II nhằm tránh xảy ra cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô với Mỹ.
Beauvoir rất thích du lịch và hầu như đã đi khắp thế giới. Chuyến thăm Mỹ của bà được thể hiện trong cuốn "Châu Mỹ sống gấp" (L’Amérique au jour le jour) xuất bản năm 1948. Tác phẩm "Trường chinh" (La Longue Marche, 1957) kể lại chuyến thăm Trung Quốc của bà cùng với Sartre.
Một năm sau khi Sartre tạ thế, Beauvoir xuất bản cuốn "Lễ vĩnh biệt" (La Cérémonie des adieux, 1981), kể lại 10 năm cuối cùng của Sartre, khi ông bà chung sống với nhau vì hồi ấy Sartre hầu như đã mù hẳn. Sartre nhắm mắt xuôi tay ngày 15-4-1980. Sáu năm sau, Beauvoir qua đời vào ngày 14 tháng 4, chỉ kém một ngày là chẵn 6 năm. Mộ bà được đặt ngay bên cạnh mộ của Jean Paul Sartre trong nghĩa trang Montparnasse.
Sau khi qua đời, bà lại càng nổi tiếng hơn trước, không chỉ vì bà đã đặt nền móng cho phong trào nữ quyền mà là do bà được coi là một trong số những nhà tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh ở nước Pháp. Di sản Beauvoir để lại rất to lớn.
Do được bè bạn thúc giục, năm 1983, tức một năm trước khi qua đời, Simone de Beauvoir xuất bản tập thư tình Jean Paul Sartre viết cho bà trong những năm chiến tranh, kể từ ngày ông nhập ngũ. Cuốn sách có tựa đề "Thư gửi Hải Ly". Những bức thư Sartre viết thật cảm động, lai láng tình cảm yêu thương của ông dành cho bà. Chỉ tiếc người đọc không có dịp thưởng thức những bức thư trả lời của Beauvoir – chắc hẳn đó phải là những bức thư tràn trề tình cảm nữ tính vì nó được viết bởi ngòi bút của người được gọi là bà mẹ của phong trào nữ quyền.
Nguyễn Hải Hoành
[1] Existentialism, còn gọi là chủ nghĩa tồn tại hoặc chủ nghĩa sinh tồn. Xem thêm bài của Phan Huy Đường Jean-Paul Sartre, nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20, tạp chí "Hợp Lưu"