6916 Huong Lang pagoda

Chùa Hương Lãng (Giác Viên Tự)

Hưng Yên

Chùa Hương Lãng có từ thế kỷ XII. Tên chữ: Giác Viên Tự. Thờ hậu: hoàng thái hậu Ỷ Lan. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1974). Vị trí: X383+46, xã Minh Hải, H.Văn Lâm, Hưng Yên. Cách BĐX Bờ Hồ: 28km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Bưu điện Mỹ Hào trên QL5, Cửa hàng xăng dầu số 94 trên DT388

Lược sử

Chùa Hương Lãng tên chữ Giác Viên Tự, còn gọi là chùa Lạng do tọa lạc tại thôn Hương Lãng, nay thuộc xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngoài thờ Phật, chùa Hương Lãng còn thờ hoàng thái hậu Ỷ Lan thời Lý. Tương truyền, chùa được hoàng thái hậu cho xây dựng vào khoảng năm 1115 trên mảnh đất rộng gần 10.000m2.

Hông chùa Lạng

Trước đây chùa Hương Lãng đã từng bị phá huỷ hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chì còn sót lại các bộ phận bằng đá. Ngày 13-3-1974 Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng chùa là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia và cho phục dựng vào năm 2005.

Kiến trúc

Chùa Lạng cùng đình Lạng sau khi phục dựng đều quay về phía đông nam nhìn ra sông Lạng, cổng mở ra đường làng như cũ. Toà tiền đường rộng 5 gian, 2 chái, có vì kèo kiểu con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột. Mỗi chân cột lại được kê trên một tảng đá trang trí hoa văn hình cánh sen mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Các bộ vì kèo gỗ lim được chạm khắc hoa văn với các đề tài hoa lá cách điệu. Tòa hậu cung cách tòa tiền đường một khoảng trống, bên hữu có cổng ngách thông ra khu nhà tăng và vườn chùa. Hậu cung có kiến trúc kiểu chồng diềm 2 tầng 8 mái.

Sư tử chùa Lạng

Di vật

Tại hậu cung chùa Lạng có một bệ đá với tầng đế dạng hình hộp chữ nhật được ghép bằng nhiều phiến đá tạo thành bốn cấp thu dần vào, mỗi bậc cao 13cm, rộng 50cm. Phần thân bệ đá tạc hình tượng sư tử, cũng ghép bằng nhiều phiến đá lại với nhau, được tôn kính gọi là ông Sấm. Hai bên mình tượng đã bị vỡ, chỉ còn lại phần đầu và phần cuối. Mặt sư tử trông dũng mãnh, mũi nở to, cặp mắt lồi như hai quả trứng, vầng trán cao. Mông sư tử căng tròn, trang trí dày đặc hoa văn xoắn ốc và hoa cúc dây. Có thể nói đây là một bệ tượng có hình linh thú đồ sộ nhất của thời Lý sót lại.

Pho tượng Phật ngồi trên bệ đá này đã bị mất trong kháng chiến chống Pháp, năm 2005 nhân dân đã đóng góp tiền của tạo một pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ đặt lên bệ.

Mông sư tử chùa Lạng. Ảnh ©NCCong 2019

Những hiện vật thời Lý khác của chùa Hương Lãng là một loạt bức tay vịn bằng đá đồ sộ nằm trước Phật điện. Các tay vịn này vốn nằm hai bên các bậc cấp dẫn lên chính điện chùa xưa, được chạm hình tượng phượng, sấu và hoa cúc dây rất tinh xảo. Dù không còn nguyên vẹn, số lượng và mức độ cầu kỳ của các bức tay vịn là minh chứng cho tầm vóc cùa chùa Hương Lãng thời kỳ khởi lập.

Chùa Hương Lãng. Panorama NCCong ©2019

Trong chùa hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII, gồm: tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc bằng đá phiến được chạm hình những con sấu như đang chúc xuống chào đón, tiếc rằng hầu hết đã bị mất đầu.

Bậc đá chùa Lạng. Ảnh ©NCCong 2016

Ngoài ra còn có 01 tấm bia ghi lại việc trùng tu vào thế kỷ XVI, 04 cột đá vuông góc đỡ các xà đá, nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh hoa sen và hoa cúc rất tỉ mỉ, tinh vi.

Di tích lân cận

©NCCông 2016-2019, Huong Lang pagoda