Đầu tư công giảm nhưng nợ công tăng

Vốn ngân sách chi cho đầu tư thường xuyên vượt dự toán, có năm đến 30%.

“Từ khi là sinh viên đến nay tôi đã nghỉ hưu nhưng những bệnh tật của đầu tư công vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác nhau về con số. Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí. Thời gian gần đây chỗ nào cũng có cảng biển, sân bay quốc tế, khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu” - PGS-TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, nhận xét như vậy tại hội thảo Tái cấu trúc và đánh giá hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam do CIEM tổ chức sáng 29-11.

Không quan chức nào muốn mất quyền lợi

Ông Bá cho biết theo quy định, dự án phải có trong quy hoạch mới được đầu tư nhưng thực tế có nhiều dự án không có trong quy hoạch vẫn cứ được đầu tư. “Một thời gian dài, địa phương cứ “chạy” dự án và trung ương cứ thế rót tiền” - ông Bá nói. Trong khi đó công tác quy hoạch hiện nay cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Cụ thể như việc sửa đổi Nghị định 92/2006 bằng Nghị định 04/2008 đã hạn chế quyền tiếp cận các thông tin về việc thực hiện quy hoạch ở các địa phương cũng như nhiều ngành khác. “Nếu quy định cũ buộc các cơ quan có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về Bộ KH&ĐT và Sở KH&ĐT thì quy định mới lại bỏ yêu cầu này. Vì vậy trung ương gần như “mù” thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Chính điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch tràn lan, trùng lắp và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các sân golf đã được đưa vào quy hoạch ở nhiều địa phương…” - ông Bá dẫn chứng. Thêm vào đó, tình trạng quy hoạch vừa thừa vừa thiếu, thiếu sự phối hợp, quy hoạch, thiếu tính thực tế, tính khả thi cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả.

Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Bá là vì hiện nay có rất nhiều quy định (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai…) điều chỉnh hoạt động đầu tư công dẫn đến tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn, bộ này giành việc của bộ kia. Tuy nhiên, để có một luật đầu tư công thống nhất chung thì đến giờ vẫn chưa có. “Vấn đề này đã được đề cập cách đây hơn 10 năm nhưng vì sao vẫn cứ do dự mãi. Bởi lẽ các quan chức không ai muốn hạn chế quyền lợi của mình” - ông Bá bày tỏ.

Kỷ luật đầu tư công kém

Một vấn đề gây bức xúc trong đầu tư công hiện nay chính là tình trạng thiếu chế tài để đảm bảo việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công. “Nhiều chính sách, quyết định đầu tư sai nhưng chẳng có một hình phạt nào và cũng chẳng ai bị gì cả. Cùng lắm thì người ta tự nhận do khả năng của tôi còn hạn chế… Chế tài chưa đủ mạnh và không nghiêm cho thấy kỷ luật trong đầu tư công còn kém” - ông Bá nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tài chính TS Vũ Đình Ánh, còn có thêm tình trạng chi vượt dự toán. Tỉ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước (đầu tư công) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khá lớn, nhất là giai đoạn 1996-2005, đầu tư công tăng mạnh chiếm 50%-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Từ năm 2007 đến nay có giảm nhưng vẫn ở ngưỡng 40%. Mặc dù có tăng, có giảm nhưng trong suốt giai đoạn này, tỉ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong vốn đầu tư công liên tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với mức hơn 40%, thậm chí có thời điểm lên đến 60%. “Điều này cho thấy đầu tư công cơ bản vẫn dựa vào vốn ngân sách. Trong khi đó vốn ngân sách chi cho đầu tư liên tục tăng cao và thường xuyên vượt dự toán hằng năm. Có năm vượt dự toán đến 30%” - ông Ánh lưu ý.

Tuy gần đây đầu tư công giảm mạnh nhưng theo ông Ánh, “không phải do Chính phủ chủ động cắt giảm mà là do nguồn lực có vấn đề”. Thực tế nguồn lực của ngân sách không còn đủ cho đầu tư công. “Nếu so sánh tỉ lệ đầu tư công và nợ công sẽ thấy một nghịch lý. Đó là chúng ta luôn nói vay để đầu tư chứ không phải để ăn nhưng thực tế những năm gần trong khi đầu tư công giảm thì nợ công lại tăng. Vậy không biết là vay để ăn hay để đầu tư?” - ông Ánh băn khoăn.

Siết chặt kỷ cương để tăng hiệu quả

Cũng theo ông Ánh, muốn cơ cấu lại đầu tư công cần gắn với cơ cấu lại ngân sách từ nguồn lực cho đầu tư công cũng như sử dụng vốn đầu tư công trên cơ sở xác định vai trò của Nhà nước nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng trong nền kinh tế và trong đầu tư công. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn nợ công và góp phần giảm thâm hụt ngân sách cũng như tăng cường kỷ luật chi ngân sách.

“Không thể chấp nhận chi ngân sách vượt dự toán quá xa như thời gian qua. Với cách chi ngân sách như hiện nay sẽ còn nhiều khoản nằm ngoài ngân sách, lồng ghép ngân sách năm này qua năm kia… thì còn nhiều ngân sách vượt ra ngoài dự toán. Cứ như vậy thì đến cả Quốc hội cũng không kiểm soát được” - ông Ánh cảnh báo. Và cũng vì lẽ này mà không ít lần TS Trần Du Lịch cho rằng: “Lâu nay các cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư công”.

GS Nguyễn Quang Thái đề nghị phải có một văn bản riêng đủ mạnh để thực hiện tái cấu trúc đầu tư công. Muốn vậy, cần khẩn trương rà soát điều chỉnh pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý đầu tư công, đặc biệt là vấn đề phân cấp, thu chi ngân sách và đầu tư.

THU HẰNG