Đến Bill Gates cũng trở nên bảo thủ

Đây là cuốn sách xuất sắc, được viết bởi một người từng bị tạp chí Newsweek gán cho biệt danh “kẻ thù số một của thế giới công nghệ”. Nhưng những ai thực sự quan tâm đến câu hỏi “với công nghệ thông tin, đời sống chúng ta sẽ đi về đâu?” sẽ phải đọc vì tính dự báo đầy xác đáng và thuyết phục của nó…

Nicholas Carr (sinh 1955) là nhà văn Mỹ, từng viết nhiều sách về thương mại, công nghệ, văn hoá; từng làm biên tập cho Harvard Business Review, hiện làm cố vấn biên tập cho bộ bách khoa toàn thư Encyclopedia Britannica.

Một cuộc dẫn dắt đầy hấp dẫn vào hai cuộc thay đổi lớn từ thế kỷ 19 đến nay: thứ nhất, sau phát minh của Thomas Edison, dịch vụ mạng lưới điện phổ dụng đã thúc đẩy cách mạng công nghiệp và nhịp điệu văn minh nhân loại; thứ hai là cuộc thay đổi tương tự – tiến trình từ chiếc máy tính PC biểu tượng là Microsoft đến mạng điện toán phổ dụng mà điển hình là Google đang tạo ra sự kết nối tất cả nhân loại trong một chiếc máy tính có tên Toàn Cầu.

Nhưng mục tiêu mà tác giả chú trọng là ở cuộc thay đổi thứ hai, cuộc thay đổi mà chúng ta đang sống, tận hưởng, trải nghiệm và không khỏi thao thức với nó từng ngày.

Nicholas Carr đã đi từ chiếc máy đục lỗ dùng để điều tra dân số Mỹ từ 1880 của Herman Hollerith đến giấc mơ sản xuất tự động với chiếc máy tính chính thức trở thành hiện thực qua cỗ máy UNIVAC vào năm 1954 (cũng dùng cho việc điều tra dân số Mỹ!). Tiến trình công nghệ được đẩy xa với việc các kỹ sư Intel cho ra đời cái PC (personal computer – máy tính cá nhân) [1] năm 1970 và chỉ năm năm sau, cậu sinh viên bỏ học có tên Bill Gates cùng anh bạn mình lập ra công ty nhỏ tên Micro-Soft viết phần mềm cho những chiếc PC mới phát minh. Thế giới điện toán sơ khai có thể nói được đặt nền tảng từ những năm 1980, nhưng rồi phải đợi đến 1991, Tim Berners – Lee mới phát minh ra mạng toàn cầu (World Wide Web) đặt cơ sở nền tảng cho việc thay thế tất cả các kho dữ liệu cá nhân trực tuyến bằng một kho chứa dữ liệu công cộng khổng lồ. Web 2.0 đột nhiên xuất hiện vào mùa hè 1999 dưới một dạng phần mềm miễn phí gọi là Napster được viết bởi sinh viên mười tám tuổi Shawn Fanning cung cấp tiện ích chia sẻ trên mạng và tạo ra cuộc hôi của (ăn cắp tác quyền) đầu tiên trên thế giới ảo.

Năm 2005, trong một bản thông báo mà Bill Gates gởi cho các lãnh đạo và kỹ sư của Microsoft, đã có một dòng dự báo đầy hốt hoảng: “Cơn biến động tiếp theo sẽ ập lên chúng ta!” hàm ý cảnh báo sự nổi lên của các dịch vụ công cộng máy tính đang đe doạ sự sống còn của tập đoàn thống trị PC lớn nhất hành tinh. Với sự nhạy cảm thiên phú, ông nhận ra sự lớn mạnh của dịch vụ tiện ích cung cấp qua Internet đang lấn sân và không lâu sau ông giật mình nhận ra, đại gia Google – công ty thống soái về tìm kiếm trên mạng – đã lù lù bên cạnh với tư cách là đối thủ đáng gờm nhất.

Nếu sự xuất hiện của PC là một bước của dân chủ hoá tin học thì mạng điện toán, internet là cuộc cách mạng biến thế giới trở thành một chiếc máy tính khổng lồ. Việc những máy tính cá nhân chuyển sang sử dụng công nghệ internet phổ dụng là cả một cuộc cách mạng trong nhận thức, tư duy, lối sống, nó khuynh đảo mọi địa hạt, lĩnh vực đời sống con người.

Bên cạnh phân tích những tiện ích mà mạng điện toán đem lại trong kinh doanh, giao dịch, liên lạc, tra cứu, lưu trữ… tác giả dành hơn một phần ba cuốn sách để mổ xẻ, phân tích, cảnh tỉnh. Theo ông, đừng nghĩ rằng cuộc sống trên mạng là một cách vun đắp bản sắc cá nhân mỗi người mà thế giới mạng đang “làm mỏng chúng ta như những chiếc bánh tráng”; đừng lầm tưởng mạng sẽ mang lại sự dân chủ hơn, hãy nhớ rằng những thuật toán có thể là công cụ theo dõi và kiểm soát ngôn ngữ, hành vi chúng ta ngay cả khi chúng ta xuất hiện với những danh tánh ảo; nếu như chúng ta nghĩ rằng bộ nhớ trên mạng sẽ giúp chúng ta giàu có hơn về trí tuệ thì cũng có thể, nếu một ngày nào đó não của bạn được tương thích với máy tính và toàn cơ thể bạn sẽ biến thành những nút điều khiển trên mạng, mạng máy tính toàn cầu sẽ kết nối tất cả thành một, mọi đầu óc thành một đầu óc, xoá nhoà mọi cá thể…

Google vẫn theo đuổi tham vọng xây dựng một trí tuệ nhân tạo hoàn chỉnh (gọi tắt là AI – Complete). Và con đường của máy tính toàn cầu trí tuệ nhân tạo là bước kế tiếp trong tiến hoá, trí tuệ nhân tạo sẽ vượt xa trí tuệ sinh học vào những năm 2040. Điều đó sẽ dẫn đến việc không có sự phân biệt giữa sinh học và cơ học, thực và ảo. Đó là những diễn ngôn tiên tri trong công trình có tên “Sáng tạo lại loài người” của giáo sư Ray Kurzweil. Còn Bill Gates thì hài hước kể rằng, có một đồng nghiệp ở chính trong Microsoft luôn miệng nói với ông: “Tôi đã sẵn sàng, hãy cắm vào tôi!” Nicholas Carr thì viết: “Chúng ta là những nơron của web”.

Những dòng cuối của cuốn sách này có thể khiến người đọc băn khoăn: “Quá khứ và định mệnh của chúng ta được khắc trong mã phần mềm. Và bây giờ, khi tất cả máy tính của thế giới được nối lại với nhau thành một chiếc máy, chúng ta cuối cùng đã được trao cho cơ hội, hay tối thiểu là sự cám dỗ, phải hoàn thiện mã”.

Rốt cuộc, bạn đã chuẩn bị để cắm mạng vào não bộ của mình chưa, hay trở nên “bảo thủ” như ông Bill Gates mà rằng, “tôi chỉ muốn tôi ở đằng này và máy tính ở đằng kia?”

Nguyễn Vĩnh Nguyên (SGTT)

(Đọc Chuyển đổi lớn – ráp lại thế giới từ Edison tới Google, Vũ Duy Mẫn dịch, NXB Trẻ, 2010)

[1thực ra đó là chip Intel 4004 để làm máy tính tiền bán hàng, còn PC thì mãi đến năm 1981 mới ra đời, dựa trên chip Intel 8088 (ĐÔNG TÁC chú thích).