Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc đã vào khoảng 55 lần

Vương Tiểu Lỗ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Bắc Kinh: "Trong cư dân thu nhập cao ở thành thị Trung Quốc tồn tại một lượng lớn "thu nhập mầu xám", đó là nhân tố chủ yếu dẫn tới việc mở rộng khoảng cách giàu-nghèo..."

Nguyên nhân khiến chênh lệch phân phối thu nhập tại Trung Quốc hiện nay quá lớn, chủ yếu không phải do thị trường hoá mà do chế độ chưa kiện toàn dẫn tới hủ bại và "thu nhập mầu xám". Rất nhiều dấu vết cho thấy, những số liệu điều tra thống kê về thu nhập của dân chúng hiện nay rất không đúng sự thật, chủ yếu là thống kê bình quân thu nhập của những cư dân thu nhập cao bị công bố thấp hơn thực tế nhiều. Đó là vì tiến hành điều tra những hộ thu nhập cao nếu muốn thu được số liệu chân thực thì phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, đặc biệt là do trong những cư dân thu nhập cao thường có phần "thu nhập mầu xám" chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Ở đây coi "thu nhập mầu xám" là những thu nhập mà theo quan niệm đạo đức được xã hội công nhận thì tính hợp lý bị hoài nghi và những thu nhập có nguồn gốc bất minh.

Để làm rõ tình hình từ năm 2005-2006 chúng tôi đã tiến hành điều tra thu chi gia đình của hơn hai ngàn cư dân thuộc các tầng lớp thu nhập khác nhau tại mấy chục thành phố và huyện lỵ trong cả nước. Điều tra dùng phương pháp xã hội học đã thu được những số liệu tiêu dùng tuơng đối chân thực đồng thời căn cứ vào nguyên lý “một hệ số Engel nhất định sẽ đối ứng với một mức thu nhập bình quân nhất định”, rồi tiến hành chia nhóm so sánh số liệu điều tra mẫu và số liệu điều tra các hộ thành thị của Cục Thống kê nhà nước. Kết quả đã phát hiện trong tình hình hệ số Engel giống nhau, thu nhập bình quân trên đầu người của các nhóm thu nhập cao trong bản mẫu của Cục Thống kê đều thấp hơn điều tra mẫu của chúng tôi, hơn nữa thu nhập càng cao, sai khác càng lớn. Điều này chứng mính số liệu thu nhập của các hộ thu nhập cao của Cục Thống kê đã có những sai sót nghiêm trọng.

Dựa vào hệ số Engel và một số đặc trưng tiêu dùng khác tiến hành dự tính bước đầu, nhóm cư dân thu nhập cao nhất chiếm 10% gia đình cư dân thành thị (khoảng 1,9 triệu hộ, 50 triệu người) có số thu nhập bình quân đầu người có thể chi phối trong năm 2005 là 97.000 NDT, gấp hơn 3 lần số liệu của số liệu vốn có (không đến 29.000 NDT). Thu nhập của các nhóm cư dân khác thuộc hạng thu nhập cao và trung cũng cao hơn thống kê vốn có. Suy đoán ra, tổng mức thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn phải vào khoảng 12.700 tỷ NDT chứ không phải là 8.300 NDT, chiếm 69% tổng thu nhập quốc dân (nhưng tổng thu nhập quốc dân cũng có khả năng phải điều chỉnh lên). Trong thu nhập của cư dân thành thị, thu nhập có tính che giấu tính ra là 4.400 tỷ NDT, tương đương 24 % GDP.

Phân tích cho thấy những sai sót trong thống kê thu nhập chủ yếu phát sinh tại các hộ thu nhập cao nhất chiếm 10% số gia đình cư dân thành thị, bằng khoảng ¾ toàn bộ thu nhập để sót. Điều này cho thấy rõ trong tầng lớp thu nhập cao tồn tại một lượng lớn thu nhập bị che giấu. Hiện nay chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa 10% gia đình thu nhập cao nhất và thấp nhất vào khoảng 31 lần chứ không phải là 9 lần như thống kê chính thức cho biết. Tính gộp cả thành thị và nông thôn thì chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa 10% gia đình thu nhập cao nhất và thấp nhất trong cả nước vào khoảng 55 lần chứ không phải là 21 lần như thống kê này hiển thị. Tóm lại chênh lệch thu nhập thực tế ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với mức thống kê chính thức. Do số liệu không đầy đủ nên khó tính được lại hệ số Kini, nhưng khẳng định cao hơn mức 0,45 mà Ngân hàng thế giới tính toán.

Người viết bài này đã lần lượt căn cứ vào các kết quả thống kê số liệu như ô tô gia đình, nhà ở thưong phẩm, du lịch nước ngoài, phân bố tài khoản ngân hàng để tiến hành kiểm chứng. Các kết quả đại thể nhất trí, chứng minh những suy đoán về thu nhập bình quân đầu người của cư dân thu nhập cao nhất về cơ bản là có thể tin được (thậm chí có khả năng còn nghiêng về bảo thủ).

Những kết quả nói trên cho thấy rõ trong cư dân thu nhập cao ở thành thị Trung Quốc tồn tại một lượng lớn "thu nhập mầu xám", đó là nhân tố chủ yếu dẫn tới việc mở rộng khoảng cách giàu-nghèo. Về nguồn gốc của thu nhập mầu xám, hiện nay không có cách gì thu được tài kiệu hoàn chỉnh, nhưng phân tích theo tư liệu công khai chủ yếu có mấy mặt dưới đây:

Thứ nhất, vốn tài chính thông qua các kênh phân phối tới các bộ phận tại các địa phưong tồn tại lỗ hở quản lý nghiêm trọng. Có một lượng lớn tiền vốn thoát ly trình tự quản lý tài chính, độ minh bạch thấp, bị lạm dụng và thất thoát nghiêm trọng. Dự tính bộ phận tiền vốn này của năm 2005 là 560 tỷ NDT, phần thất thoát còn đợi kiểm tra.

Mấy năm gần đây, mức đầu tư tài sản cố định quốc hữu rất lớn (năm 2006 là 4.500 tỷ NDT), các hạng mục đầu tư chuyển thầu hết tầng nấc này đến tầng nấc khác, tiền cấp cho công trình bị bóc vỏ hết tầng nấc này đến tầng nấc khác, hiện tượng lừa đảo mưu lợi nghiêm trọng, thất thoát rất lớn. Căn cứ vào một số tình hình đầu tư cho công trình ta thấy đầu tư cho công trình mà đơn vị thi công thực tế nắm được chỉ bằng chưa tới một phần ba số tiền cấp phát cho công trình.

Thứ hai, hủ bại tài chính tiền tệ tồn tại phổ biến. Theo một điều tra trên diện rộng của Cục Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương năm 2003, cơ quan tài chính tiền tệ chính qui cả nước khi cho vay, việc thu phụ phí ngoại ngạch ngoài tiền lãi bình thường ra đã trở thành một “qui tắc tiềm ẩn”. Nói một cách bình quân, nếu gộp chi phí ngoại ngạch ngoài tiền lãi bình thường cho mỗi khoản vay và chi phí dùng để duy trì “quan hệ vay mượn tốt đẹp” lại, sẽ tương đương với 9% mức vay. Năm 2006 các cơ quan tài chính tiền tệ cả nước cho vay 2200 tỷ NDT, suy tính tới việc các doanh nghiệp loại lớn do điều kiện vay mượn có lợi, tương đối ít xẩy ra tình hình này, nếu suy đoán là bằng một nửa mức vay thì thu nhập mầu xám có khả năng mang lại cho các nhân viên có liên quan của các cơ quan tài chính tiền tệ cả nước có thể cao tới 1000 tỷ NDT. Những tổn thất do các sự kiện trên gây ra còn chưa tính tới. Kết quả nói trên đã được kiểm chứng nhất định khi điều tra tại một số doanh nghiệp.

Thứ ba, lợi dụng thủ đoạn hành chính trong việc phê duyệt hạng mục. Ví dụ như nhân viên cơ quan Đảng và chính quyền các nơi thường có cổ phần tại mỏ than, những “quyền cổ phần” đó phần lớn được đánh đổi bằng quyền phê duyệt, quyền kiểm tra, quyền khống chế tài nguyên. Lại lấy ngành y dược làm ví dụ, một thời kỳ gần đây khâu phê duyệt và lưu thông dược phẩm cực kỳ hỗn loạn đã mang lại cho một số người nào đó trong ngành y dược và đường dây quyền lực một khoản thu nhập mầu xám khổng lồ.

Điều tra sức cạnh tranh tại 120 thành phố Trung Quốc do Ngân hàng Thế giới tiến hành năm 2006 chỉ ra, mục chi du lịch và giải trí của doanh nghiệp có thể so sánh với “chi tiêu không chính qui” của quan chức chính quyền (cách nói uyển chuyển của hối lộ), tỷ lệ của mục chi tiêu này chiếm trong tổng mức bán ra của doanh nghiệp có khác nhau tùy các địa phương và tuỳ loại doanh nghiệp, thấp nhất là 0,7% cao nhất là 2,3%. Nếu lấy 0,5% làm mức chi ra bình thường của doanh nghiệp, bộ phận cao hơn được coi là phần hối lộ, tính theo mức thu nhập bán ra của ngành công nghiệp, ngành kiến trúc và ngành dịch vụ của cả nước là 55.00 tỷ NDT thì các doanh nghiệp chi dùng cho du lịch và giải trí hối lộ vào khoảng 500 tỷ NDT, con số này có khả năng chỉ là một phần nhỏ của hối lộ, chưa bao gồm các phưong thức hối lộ khác như tiền mặt, sổ tiết kiệm, hiện vật, thẻ tín dụng, tặng cổ phiếu v.v..

Thứ tư, thất thoát từ thu lợi đất đai. Năm 2005 có 163.000 ha đất đai quốc hữu chuyển nhượng thu tiền, trong đó diện tích chuyển nhượng “treo biển đấu thầu” chỉ chiếm một phần ba. Giá đất đai “treo biển đấu thầu” với các phương thức chuyển nhượng khác trung bình chênh lệch 4-5 lần, mỗi ha chênh lệch giá hơn 5 triệu NDT. Trừ đi 5000 ha đất thích hợp với xây dựng nhà kinh tế nhưng không thích hợp với phương thức “treo biển đấu thầu” thì 11.000 ha còn lại thu nhập ít đi 540 tỷ NDT. Đây chính là nguồn gốc cho những món lợi kếch xù của các nhà kinh doanh nhà đất và thu nhập mầu xám của những ngưòi có quyền lực liên quan.

Ngoài ra, trong quá trình trưng dụng khai thác đất đai, chính quyền địa phương đã thu lợi mỗi mẫu (mẫu Trung Quốc bằng 1/15 ha) 100.000 NDT, tính gộp lại là 208 tỷ NDT, khoản thu lợi từ đất đai lẽ ra phải dùng để đền bù cho nông dân mất ruộng đất và dùng cho sự phát triển lâu dài của xã hội trong rất nhiều trường hợp bị địa phương coi là thu nhập ngoài định mức tiêu hết và việc sử dụng lại thiếu giám sát kiểm tra nghiêm trọng.

Thứ năm, thu nhập ngành nghề lũng đoạn, năm 2005, tổng số công nhân viên chức trong các ngành điện, thông tin, dầu mỏ, tài chính tiền tệ, bảo hiểm, thuỷ điện, cung cấp hơi đốt, thuốc lá v.v. là 8,33 triệu người, chưa đến 8% tổng số công nhân viên toàn quốc, nhưng dự tính tổng mức tiền lương và thu nhập ngoài lương của họ đạt 1070 tỷ NDT, tuơng đương với 55% tổng mức tiền lương của toàn bộ công nhân viên cả nước, cao hơn phần tiền lương bình quân của công nhân viên chức cả nước khoảng 920 tỷ NDT, trong đó một phần tương đối lớn đến từ lũng đoạn có tính hành chính.

Trong những nội dung trên có những hạng mục có căn cứ tính toán bao gồm hủ bại tài chính tiền tệ, thất thoát thu lợi từ đất đai, chi tiêu mà doanh nghiệp dùng cho du lịch giải trí hối lộ, thu nhập mầu xám do ngành nghề lũng đoạn v.v.. mà tổng mức đã gần tới 3000 tỷ NDT, chiếm phần lớn trong số 4400 tỷ thu nhập thất thoát. Điều này cho thấy rõ hệ thống phân phối thu nhập quốc dân Trung Quốc tồn tại những lỗ hổng khổng lồ và những thiếu sót nghiêm trọng về chế độ. Nguyên nhân chênh lệch thu nhập quá lớn hiện nay chủ yếu không do thị trường hoá mà là do chế độ không kiện toàn dẫn tới hủ bại và thu nhập mầu xám.

Mấy năm
nay, chênh lệch thu nhập mở rộng đã dẫn tới cơ cấu kinh tế mất cân bằng càng ngày càng rõ. Đồng thời với mức kinh tế tăng trưởng cao đã xuất hiện tình trạng dự trữ quá mức và chỉ số tăng trưởng tiêu dùng của đại chúng nhân dân bị giảm, nhu cầu nội bộ tương đối không đủ, tăng trưởng kinh tế càng ngày càng ỷ lại vào đầu tư và xuất khẩu, nghiêm trọng hơn là thành quả phát triển kinh tế thông qua các con đường không chính thức tập trung vào số ít người dẫn tới phân phối thu nhập bị mất công bằng nghiêm trọng và xã hội phân hoá hai cực. Đây là nguyên nhân chính gây ra bất mãn sâu rộng và là đe doạ lớn nhất cho phát triển kinh tế bền vững .

D.Q.A (gt)

Nguồn: tạp chí “Quan Sát” tháng 7/2009