Chính sách quản lý vàng ngày càng khó hiểu

Với lý do tăng cường giám sát các giao dịch lớn nhằm chống rửa tiền, ngày 31/7, NHNN đã yêu cầu các đơn vị tiến hành giao dịch vàng có giá trị quy đổi trên 300 triệu đồng phải báo cáo. Quyết định này được cho là sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, chỉ sau đó 3 tuần, Chính phủ lại cho phép miễn kiểm tra vàng nhập khẩu khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, vàng do NHNN nhập khẩu phục vụ điều tiết, ổn định thị trường trong nước sẽ được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế. Việc miễn kiểm tra được thực hiện trong thời gian nhất định; lô vàng nhập khẩu được đưa về kho của đơn vị do Ngân hàng Nhà nước ủy nhiệm nhận hàng với điều kiện được niêm phong cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định.

Động thái này được cho là nhằm đáp ứng khiến nghị ngày 22/5 của NHNN về vàng nhập khẩu. Trước đó, NHNN đã giải thích về đề xuất trên. Theo đó, việc miễn kiểm tra sẽ giúp bảo mật thông tin về vàng nhập khẩu, lịch trình, thời gian vận chuyển, nâng cao độ an toàn trong quá trình vận chuyển...

Thoạt nghe lý do mà NHNN giải trình có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh bối cảnh nguồn cung vàng đang phụ thuộc hoàn toàn vào các phiên đấu thầu của NHNN khiến dư luận không khỏi quan ngại. Hệ quả dễ nhận thấy là việc giữ bí mật về lượng vàng nhập khẩu sẽ khiến thị trường ngày càng thiếu thông tin. Điều đó sẽ dẫn đến thị trường vàng trở nên kém minh bạch, tác động không nhỏ đến tâm lý của cả người mua lẫn người bán. Bởi của người bán vàng sẽ hoang mang khi thấy giá giảm, nên sợ không bán. Còn người mua thì muốn mua vào ở thời điểm giá vàng chạm đáy, nhưng chẳng biết dựa vào đâu để xác định vàng đã chạm đáy hay chưa. Khi thị trường thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch thì tâm lý đám đông sẽ trỗi dậy. Khi đó, việc bình ổn thị trường sẽ trở nên vô cùng khó.

Trong khi dư luận chưa hết băn khoăn trước quyết định trên, thì NHNN lại công bố dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng của các NHTM với nhiều điểm đáng quan ngại. Theo đó, nội dung quan trọng nhất là NHTM không được sử dụng vàng miếng giữ hộ dưới mọi hình thức, kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của các ngân hàng. NHTM cũng không được ủy thác cho tổ chức, các đại lý, cá nhân khác thực hiện dịch vụ giữ hộ vàng miếng... Tuy nhiên, các NHTM được sử dụng vàng miếng giữ hộ của khách hàng này để trả lại vàng miếng đã nhận giữ hộ cho khách hàng khác.

Việc NHNN dự định ban hành thông tư này nhằm ngăn chặn các NHTM sử dụng vàng giữ hộ vào mục đích khác. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại khi cho rằng: do các ngân hàng thường xuyên mua-bán vàng, nên cơ quan quản lý khó phân biệt giữa vàng của người dân gửi và vàng của ngân hàng. Như thế, các ngân hàng có thể bán ra một phần số vàng giữ hộ, gây nhiều hệ lụy khôn lường. Thêm nữa, việc cho phép NHTM dùng vàng của người gửi này trả cho người khác có thể dẫn đến tình trạng các ngân hàng tùy tiện sử dụng vàng của người gửi, kể cả bán vàng giữ hộ. Chẳng may sau khi bán, giá vàng tăng đột biến, các ngân hàng phải mua lại bằng mọi giá để trả người gửi đột ngột đến rút vàng. Ðiều này có thể làm cho thị trường vàng bất ổn, thậm chí có thể gây rủi ro dây chuyền. Bài học từ việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng vừa qua vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bối cảnh NHNN vừa kinh doanh, vừa quản lý nhà nước, lại độc quyền nhập khẩu vàng, sự khó hiểu trong chính sách quản lý vàng khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: NHNN đang “đóng vai” nào khi đưa ra những đề xuất trên. Bởi đến nay, ngoài khoản lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng thu được từ việc bán vàng còn các mục tiêu khác như bình ổn thị trường, chống vàng hóa nền kinh tế vẫn chưa thấy hiệu quả rõ ràng khi giá vàng SJC vẫn nhảy múa khiến hiện tượng dòng người đổ xô đến các hiệu vàng đang tái diễn.

Huy Vũ, SM