Dự thảo lớp học "VIP": "Phản cảm và phản giáo dục"

Trong môi trường giáo dục, tạo ra khái niệm lớp thường, lớp "VIP" là một điều rất nguy hiểm cho thế hệ tương lai của đất nước. GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT băn khoăn về dự thảo lập lớp "VIP" trong trường công của Bộ GD&ĐT.

Đi ngược lại tôn chỉ giáo dục

  • Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) từng gây bức xúc trong dư luận khi cho phép phụ huynh biến 2 lớp học của con mình trở thành lớp… đặc biệt dành cho con nhà giàu, bất chấp những lớp xung quanh vẫn phải học ở phòng học cũ kỹ. Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo, xây dựng lớp "VIP" ngay trong trường công lập. GS có bình luận gì về ý tưởng này?

Rõ ràng, điều này là không phù hợp. Theo quan điểm của tôi, trong cùng một trường, cùng một môi trường giáo dục không nên tạo sự cách biệt giữa các học sinh. Chủ trương xuyên suốt của Bộ GD&ĐT là xây dựng những trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nếu Bộ đưa ra đề xuất xây dựng lớp chất lượng cao trong trường công là đi ngược lại ý tưởng trước đó. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý xấu, học sinh không thân thiện.

Những em học sinh nhà giàu, có điều kiện sẽ vào những lớp "VIP", còn những em không có điều kiện sẽ mãi mãi học lớp bình thường. Gia đình khó khăn không thể đóng tiền cho con theo học những lớp chất lượng cao như vậy, để con thua kém bạn bè, sẽ rất đau lòng. Điều này rất phản cảm và phản giáo dục. Tôi nghĩ, đừng sớm gieo vào lòng con trẻ sự tự ti, tội nghiệp lắm.

  • Một số người cho rằng, môi trường giáo dục luôn đòi hỏi sự bình đẳng, xây dựng những lớp đẳng cấp "VIP" (Very Important Person - vô cùng quan trọng) trong cùng một trường là đi ngược lại tôn chỉ đó. Quan điểm của GS thế nào?

Đúng như bạn nói, môi trường giáo dục luôn đòi hòi sự bình đẳng. Dù gia đình có điều kiện hay không, dù bên ngoài xã hội các em đẳng cấp thế nào nhưng khi bước vào môi trường giáo dục thì bình đẳng như nhau. Đưa ra ý tưởng này chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong một mái trường. Có những em nhạy cảm không được học trong điều kiện như các bạn khác sẽ cảm thấy tự ti, còn những em được học sẽ có thể nảy sinh tư tưởng kiêu căng, coi thường các bạn khác.

Ngay bản thân các thầy giáo, có thể dẫn đến tâm lý "nâng đỡ" những học sinh "quý tộc" mà lơ là lớp học sinh bình thường. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên nhiều mâu thuẫn trong nhà trường.

  • Không ít người lo ngại, từ tâm lý lớp “VIP” - lớp thường trong trường học sẽ dần phát triển thành tư tưởng phân hoá giàu nghèo trong xã hội. GS có ý kiến thế nào?

Từ trước đến nay, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực quan trọng, phản ánh sự phát triển cũng như chất lượng con người của một quốc gia. Hiện tại, ngành y đã hình thành bệnh viện chất lượng cao, khu điều trị theo yêu cầu, dịch vụ… bây giờ trường học lại xuất hiện một hình thức tương tự?.

Điều này vô tình tạo nền tảng cho sự phân hoá giai cấp, giàu nghèo trong xã hội. Bởi, trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trẻ đã được tiếp xúc với sự phân hoá giàu-nghèo, khi ra ngoài xã hội chúng sẽ khó tránh khỏi làm theo. Tạo ra khái niệm này cho các em là một điều rất nguy hiểm cho thế hệ tương lai của đất nước.

Một kiểu lạm thu biến tướng?

  • Cho phép trường công mở lớp chất lượng cao, thu học phí chót vót thực chất là lớp học tư thục nhưng hoạt động dựa trên ngân sách Nhà nước. Điều này khác gì dùng ngân sách Nhà nước để kinh doanh giáo dục, thưa ông?

Rõ ràng, nguồn kinh phí để xây dựng những lớp "VIP" như thế được vận động từ phụ huynh học sinh. Điều này chẳng khác nào chuyển thành lớp học tư thục trong trường công. Phải chăng do ngân sách không bao cấp được nên mới "đẻ" ra ý tưởng lạ đời như vậy?. Thực chất là lấy tiền từ túi phụ huynh học sinh. Chúng ta từng phản đối mạnh về chuyện lạm thu trong giáo dục, đưa ra ý tưởng này chẳng khác gì một kiểu "lạm thu biến tướng".

Một số chuyên gia giáo dục gay gắt cho rằng, giáo dục của chúng ta đang đi lạc hướng so với các nước trên thế giới, tôi nghĩ là hoàn toàn có căn cứ. Nếu không bao cấp được nên chuyển thành trường tư, không nên mở lớp tư trong trường công.

  • GS đánh giá thế nào về luồng ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên lẫn lộn trong một trường học công lập?

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên lẫn lộn trong một trường học công lập như vậy. Trường nào chất lượng cao là cả trường đều hoạt động theo phương thức như vậy chứ không phải chỉ vài lớp. Phụ huynh nào có nhu cầu, có khả năng đóng góp thì đăng ký cho con vào đó học. Nên mạnh dạn xã hội hoá giáo dục, đưa một số trường phát triển thành trường tư thục. Điều quan trọng, dù ở môi trường nào học sinh cũng bình đẳng với nhau.

  • Tuy nhiên, dường như ngay những căn cứ đầy đủ tính khoa học để biết thế nào là giáo dục chất lượng cao, điều kiện để được công nhận là trường chất lượng cao… còn đang thiếu, thưa ông?

Đúng như bạn nói, hiện có hàng nghìn trường ở các cấp học phát triển theo mô hình dịch vụ chất lượng cao. Song, chỉ có rất ít trường trong số này được phê duyệt, còn lại đều tự gắn mác chất lượng cao và thu học phí ngất ngưởng. Cần thiết lúc này là Bộ phải đưa ra quy định về tiêu chí thế nào là giáo dục dịch vụ chất lượng cao, chấm dứt tình trạng bất cứ trường nào cũng "tự phong" trường chất lượng cao như hiện nay.

Nếu chỉ được trang bị máy móc thiết bị tốt, cơ sở vật chất đầy đủ thì không thể gọi là giáo dục chất lượng cao được. Trong giáo dục, chất lượng cao ngoài cơ sở vật chất thì quan trọng hơn thì phải có đầu vào, giáo viên và giáo trình tốt, chất lượng ra trường cao…

  • Xin cảm ơn ông!

Anh Đức - Trinh Phúc (NĐT)