GIÁO DỤC VIỆT NAM – CẦN CÁI NHÌN KHÁCH QUAN

Giáo dục Việt Nam đang có khá nhiều bất cập và cũng không quá lời nếu dùng từ “khủng hoảng”. Nhưng cả báo cáo của nhóm được gọi là học giả Harvard và phản biện của giáo sư Koblitz, thì dường như cả hai đều bị ảnh hưởng quá nhiều vào yếu tố chính trị. Vì thế, người đọc cần phải có sự tỉnh táo của mình đối với cả hai.

Về báo cáo của Harvard

Trước khi bàn về báo cáo của Harvard, tôi nghĩ nên làm rõ một số vấn đề liên quan đến báo cáo này.

Báo cáo này được thực hiện bởi ông Thomas Valelly, giám đốc chương trình Việt Nam của viện ASH trực thuộc trường Chính sách công Kennedy tại đại học Harvard, và trợ lý là ông Benjamin H. Wilkinson nộp lên cho cấp trên của họ. Tức báo cáo được làm ra để nộp cho viện ASH. Một vấn đề mà chúng ta cần chú ý, đó là đa phần các chương trình mà ASH đang thực hiện có ngân sách từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Các cường quốc lớn trên thế giới hiện nay như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh Quốc thường tổ chức các chương trình kiểu như viện nghiên cứu, viện trao đổi văn hoá, viện đào tạo… nhằm tranh thủ thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Chắc chắn, ngân sách các cường quốc dù nhiều đến đâu cũng chẳng bao giờ thừa mứa đến mức cho không các quốc gia khác. Chính vì thế, tác động chính trị trong những chương trình kiểu trên chắc chắn là không nhỏ.

Tìm hiểu sâu hơn, chúng ta thấy trường đào tạo chính sách công Kennedy chỉ là một trường trực thuộc đại học Harvard, viện ASH lại chỉ là một bộ phận trực thuộc trường Kennedy, rồi chương trình Việt Nam thì chỉ là một chương trình của ASH và chương trình này nhận ngân sách từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Bởi vậy, đặt Harvard làm thương hiệu cho báo cáo, thì chỉ như ánh hào quang tô điểm cho báo cáo để thêm phần long trọng hơn là giá trị thực của báo cáo.

Chúng ta, có thể không lệ thuộc vào tác động chính trị để phân tích báo cáo trên, nhưng chúng ta phải luôn thấy được sự hiện diện của nó trong báo cáo nhằm đánh giá xác đáng hơn. Việt Nam cần phát triển thì cần phải có những cái đầu tỉnh táo, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp theo, tôi xin phân tích phần báo cáo mà tôi tạm gọi là “báo cáo của Harvard”.

1. Phần thực trạng của báo cáo

Đầu tiên, tôi cho rằng các thực trạng mà báo cáo nêu ra thì đa phần là đúng, nhưng không mới. Chúng cũng không phải là một nghiên cứu có tính khám phá, mà đơn thuần mang tính tổng hợp. Bởi đa phần các thực trạng ấy đã được nhiều trí thức trong và ngoài nước nêu ra, các trí thức cũng đã nêu một cách chi tiết hơn nhiều so với báo cáo này.

Điển hình như trong nội dung phần “Quy mô của cuộc khủng hoảng”, các nội dung của nó đã được các báo chí trong nước đăng tải từ lâu. Như thông tin về việc tuyển dụng của Intel cũng đã từng được đề cập đến. Hay thống kê về các bài viết khoa học được xuất bản nhằm đánh giá chất lượng giáo dục, vốn dĩ đã được tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia thống kê tại Hoa Kỳ) phân tích một cách chi tiết hơn rất nhiều trên một tạp chí trong nước, mà nếu tôi nhớ rõ tên tạp chí, cách đây một vài năm.

Yếu tố mới duy nhất trong phần thực trạng chính là việc xem xét nguyên nhân lịch sử của tình trạng hiện tại. Thực sự, ảnh hưởng của Pháp gây ra như thế nào cho nền giáo dục Việt Nam là cả một vấn đề phức tạp, mà tôi nghĩ rằng rất khó có thể đánh giá xác đáng. Hơn nữa, nếu lấy mốc thời gian là 1954, thì đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Nên chúng ta không thể chọn đó làm yếu tố lịch sử cốt yếu. Chính vì việc không cần thiết phải đưa Pháp vào nguyên nhân có tính lịch sử, nhưng báo cáo vẫn đưa vào, điều đó làm tôi không khỏi ưu tư về sự đổ lỗi có động cơ chính trị của báo cáo.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng “thương hiệu” Harvard đã giúp cho báo cáo này mang tính “giật gân”, thỏa mãn cho nhiều “cái đầu nóng” hiện tại trong và ngoài nước, hơn là tính hàn lâm. Tuy thế, tôi vẫn cho rằng chúng ta cần ghi nhận đa số, nhưng không tất cả, các thực trạng mà báo cáo nêu ra. Bởi dù sao thì đó vẫn là những thực trạng được đề cập từ lâu nhưng chưa giải quyết được.

2. Phần đối phó và kết luận của báo cáo

Phần đối phó mà báo cáo nêu ra gồm có ba mục lớn: các chính sách của chính phủ, trao đổi, các nhân tố quốc tế.

Thực ra, trong cả ba mục lớn trên của báo cáo cũng chỉ đánh giá các diễn biến mang tính hệ quả của thực trạng giáo dục chứ không phải là các đề xuất đối phó do người thực hiện báo cáo đề ra. Hơn nữa, chúng ta chỉ có thể xem hai nội dung: các chính sách của chính phủ và các nhân tố quốc tế là phản ứng hệ quả đối với nền giáo dục. Còn mục Trao đổi của phần đối phó, theo tôi đó là diễn biến tất yếu ở mọi quốc gia khi xã hội phát triển. Ngay cả, Singapore là nước phát triển có nền giáo dục rất tốt, nhưng các gia đình giàu có vẫn đưa con sang du học tại Hoa Kỳ, Anh Quốc… Nên chúng ta không thể xem đó là phản ứng dành cho thực trạng giáo dục, bởi nó còn là xu hướng mang tính xã hội khi người dân giàu có hơn.

Khi đánh giá sâu hơn hai mục hệ quả, thì mục nhân tố quốc tế trong báo cáo cũng chỉ là một phần trong các chính sách của chính phủ. Như thế, phần đối phó đã có sự trùng lắp hai mục này với nhau.

Sau cùng, nhóm thực hiện báo cáo nêu ra đề xuất về một trường đại học hoàn toàn mới. Nối kết đề xuất này với các nội dung “PR” trước đó như: số lượng du học sinh đến Hoa Kỳ, các trường đại học Mỹ được săn tìm nhiều nhất… thì người đọc hiểu rằng trường đại học hoàn toàn mới mà báo cáo đề xuất sẽ mang mô hình đại học Hoa Kỳ. Đây là đề xuất mà chúng ta cần phải đánh giá rất kỹ lưỡng.

Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng một trường đại học như thế chỉ như “muối bỏ bể”, nó chỉ như một sản phẩm kiểu “Honda Việt Nam”, “Sony Việt Nam”. Tổ chức một trường đại học mới hoàn toàn thì chẳng có gì là khó, vấn đề là làm sao để nhân rộng mô hình và phát triển nó cho giáo dục đại học Việt Nam, nếu mô hình đó thực sự tốt. Hơn nữa, mô hình đại học Hoa Kỳ rất khó phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Ngay cả các quốc gia phát triển của châu Âu cũng chưa thể bê nguyên mô hình đại học Mỹ thì làm sao điều đó khả thi tại Việt Nam. Việc bê nguyên si một mô hình như thế chỉ có giá trị quảng bá nền giáo dục Hoa Kỳ nhiều hơn là tính thực tế của nó đối với nền giáo dục Việt Nam. Thêm vào đó, cách kết luận như thế của báo cáo hơi mâu thuẫn về mặt lý luận. Lúc đầu, phần kết luận nêu ra cần một thay đổi toàn diện, mang tính hệ thống, nhưng sau cùng lại đúc kết “cốt lõi” chỉ bằng việc xây dựng một cơ sở đại học hoàn toàn mới. Chúng ta cần chú ý, cơ sở đại học mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể tái cấu trúc nền giáo dục. Cho nên, lối lý luận như thế là có thể xem là hồ đồ, khiên cưỡng. Sự hồ đồ, khiên cưỡng ấy có thể xuất phát từ một thâm ý nào đó.

Ngoài ra, việc xây dựng nguyên si một cơ sở giáo dục hoàn toàn mới, cơ sở ấy rất dễ trở thành tiền đồn cho việc truyền bá chính trị. Đây là nguy cơ cần xem xét.

Tôi xin minh chứng cho nguy cơ trên bằng chương trình đào tạo thạc sỹ chính sách công Fulbright tại Việt Nam, đây có thể xem là một chương trình “kiểu mẫu” Hoa Kỳ. Điểm nổi bật nhất trong chương trình đào tạo này chính là các môn học liên quan đến khu vực công, các môn học này gần như chiếm gần hết chương trình đào tạo. Còn các môn học cơ bản như: kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, phương pháp định lượng thì vẫn sử dụng các tài liệu mà Việt Nam đang dùng tại các trường đại học trong nước và cũng do chính các giảng viên trong nước đảm nhiệm.

Các học phần của khu vực công này đều sử dụng các công cụ phân tích dựa trên nền tảng phân tích chính sách của Mỹ. Chúng ta thừa nhận nước Mỹ rất phát triển nhưng cơ sở lý luận chính sách công của họ muốn áp dụng được tại các quốc gia khác lại là vấn đề không đơn giản. Ngay cả một nước tư bản có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Nhật còn phải dùng các nền tảng lý luận chính sách của riêng họ, mà không thể rập khuôn theo lý luận của Mỹ. Vậy thì, chúng ta làm sao có thể áp dụng nền tảng lý luận của Mỹ vào Việt Nam trong một sớm một chiều. Hơn nữa, lý luận về chính sách gắn chặt với thể chế chính trị và chiến lược phát triển quốc gia. Nên cứ khăng khăng theo lối lý luận ấy rất dễ bị áp đặt về thể chế chính trị. Ngày trước, trong quá trình xây dựng và phát triển Singapore, ông Lý Quang Diệu cũng phải chắt lọc rất nhiều mới có được hệ thống lý luận cho riêng mình. Lấy ông Lý Quang Diệu làm điển hình, chúng ta cần hiểu rằng nếu muốn khai thác các kiến thức ấy hiệu quả, thì cần có những con người đủ tầm nhận thức, đủ tầm quan sát chiến lược để hiểu cần học gì và cần làm như thế nào. Ngược lại, nhiều người học không đủ tầm rất dễ sa đà vào cơ sở lý luận có tính đồng hoá ấy, để rồi tạo ra những sai lầm chết người.

Theo đó, chương trình kiểu mẫu như Fulbright đã mang vai trò truyền bá tư tưởng chính sách của Hoa Kỳ, quảng bá hình ảnh của Hoa Kỳ. Điều này cũng không có gì khó hiểu ở các chương trình “giao lưu” như thế của các nước lớn mà tôi nói ở trên, cho nên chúng ta càng cần phải cẩn trọng hơn. Đôi khi, chính những cơ sở đào tạo như thế vô tình khiến cho cuộc tranh luận về sự phát triển của đất nước sa vào vũng lầy nhị nguyên tốt xấu, đẩy sự bất đồng quan điểm trong xã hội lên vượt tầm kiểm soát.

Vì vậy, việc xây dựng cơ sở đào tạo mới hoàn toàn theo cách mà báo cáo Harvard đề ra là không nên. Tôi khẳng định mình rất đề cao những giá trị của nước Mỹ nhưng tôi không đồng ý với bất cứ hình thức áp đặt nào mang tính “đồng hoá” của nước Mỹ hay các cường quốc khác, đặc biệt là “đồng hoá” về mặt giáo dục. Sau bài viết này, tôi sẽ có một bài viết phân tích để thấy rõ hơn ý đồ của các cường quốc qua các mô hình kiểu như Học Viện Khổng Tử, Trường Đào tạo Chính Sách Công. Cần có những cái “đầu lạnh” và đủ thông hiểu thì mới giải quyết được những “vấn đề nóng”.

Chúng ta rất cần những mô hình đại học mới để phát triển nền giáo dục đang quá nhiều bất cập như hiện nay, nhưng muốn phát triển lâu dài thì cần phải
có được một chiến lược cụ thể và phù hợp. Tất nhiên, chúng ta luôn cần tham khảo, học hỏi các mô hình đào tạo và các chiến lược giáo dục của các quốc gia phát triển. Nhưng không phải là sa đà, lệ thuộc.

Về phản biện của giáo sư Koblitz

Qua những gì giáo sư Koblitz đưa ra trong phản biện của mình, ta dễ dàng nhận ra mối “tư thù chính kiến” của ông với các lý luận của các học giả như Samuel Huntington, người có tác phẩm rất nổi tiếng là Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự lập lại trật tự thế giới mới. Chính vì “tư thù chính kiến” ấy, đa phần phản biện của ông đã sa đà vào hùng biện chính trị và đả kích nền giáo dục Mỹ hơn là phản biện đúng nghĩa. Tình trạng này gần như chi phối toàn bộ phản biện của ông, vô hình chung làm cho phản biện của ông không có giá trị gì đáng kể, dù tâm huyết của ông đối với giáo dục Việt Nam là có. Đó cũng là lý do khiến tôi nghĩ không cần phải phân tích sâu vào phản biện của giáo sư Koblitz.

Chỉ một ý duy nhất trong phản biện của ông đáng để lưu tâm chính là sự tác động từ khu vực doanh nghiệp tư nhân và các tập đoàn công nghệ cao để nâng cao nền giáo dục trong nước. Thế nhưng, ý kiến này cũng được ngay chính các trí thức trong nước đề cập từ lâu nay. Đó là việc “thực tế hoá” công việc ngay từ quá trình đào tạo bằng cách tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường đại học với doanh nghiệp, đặc biệt cần chú trọng liên kết với các tập đoàn lớn để có thể khai thác hiệu quả các thành quả nghiên cứu trong nhà trường và nâng cao năng lực nghiên cứu.

Nhân ý này, tôi muốn đề cập đến việc nâng cao doanh trí cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi doanh trí của các doanh nghiệp trong nước được nâng cao thì không những giúp cho việc khai thác hiệu quả hơn các sinh viên mới ra trường, mà còn tác động để sự phát triển của các trường đại học gắn liền với sự vận hành phát triển của đất nước.

Lời kết

Một lần nữa, tôi khẳng định nền giáo dục Việt Nam còn rất nhiều bất cập, trì trệ, có biểu hiện của sự khủng hoảng. Nên, chúng ta phải cấp bách đề ra một chiến lược phát triển giáo dục mang tính bức phá. Nhưng, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là nền tảng học thuật cho sự phát triển của đất nước. Do đó, chiến lược giáo dục mang tính bức phá ấy không chỉ cải cách sâu rộng mà cần phải nghiên cứu cẩn trọng đến các yếu tố kinh tế, xã hội nhằm đem đến hiệu quả tối ưu. Trong quá trình xây dựng và thực thi chiến lược phát triển đó, chúng ta cũng cần tránh những áp đặt mang tính chính trị, tuyên truyền mà phải có cái nhìn khách quan. Giáo dục phải trong sáng, gắn chặt với sự phát triển của đất nước. Như thế, giáo dục mới có thể là đòn bẩy để đất nước phát triển vững chãi.

Ngô Minh Trí