Harvard sắp kỷ niệm 375 năm thành lập trường

Năm nay Đại học Harvard sẽ kỷ niệm 375 năm thành lập trường (1636-2011). Đây là sự
kiện quan trọng đối với Harvard và những ai quan tâm tới nền giáo dục của nước Mỹ.

Lễ kỷ niệm 300 năm Harvard (năm 1936) được giới sử học đánh giá là sự kiện bản lề
làm cho Harvard trở thành Đại học đẳng cấp thế giới. Hồi đó, nhà trường đã triển khai
nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú và sôi nổi nhằm đưa Harvard đi lên vũ đài quốc tế.
Các hoạt động ấy đã thu hút hơn 70 nghìn người đến thăm Harvard vào mùa hè năm 1936. Đêm hội hoa đăng bên sông hồi tháng 9 thu hút 300 nghìn người xem. Sau lễ khai giảng, nhà trường tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài hai tuần, ngày cuối cùng có 15 nghìn người
dự. Lễ kỷ niệm 300 năm Harvard có sự hiện diện của các đại biểu đến từ 502 trường
Đại học khắp thế giới. Bài diễn thuyết hùng hồn dưới trời mưa tầm tã của đương kim
Tổng thống Franklin Roosevelt ngồi trên xe lăn, cựu sinh viên Harvard, cựu chủ bút báo
Màu đỏ Harvard (The Harvard Crimson, tờ báo ra hàng ngày của sinh viên Harvard), làm
nức lòng những người có mặt.

Từ sau lễ hội ấy ĐH Harvard ngày càng nổi tiếng khắp thế giới. Thanh niên nhiều nước
mơ ước được học tại Harvard.

Hoạt động kỷ niệm Harvard 375 năm sẽ rất phong phú. Hôm 26/5 vừa rồi, bà Drew Faust
Hiệu trưởng Harvard đã công bố chương trình kỷ niệm kéo dài tới hết tháng 5/2012. Cũng
hôm ấy, trang web http://375.harvard.edu được khai trương để phục vụ chương trình đó.

Trong năm kỷ niệm, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, hội thảo và diễn đàn khoa học sẽ
được triển khai với quy mô lớn, trong đó có hoạt động tự kể “Câu chuyện Harvard” của
mình và du lịch ảo Harvard trên mạng qua điện thoại di động.

Theo chương trình, chiều 14/10, các ký túc xá sinh viên mở tiệc liên hoan. 7 giờ tối, toàn thể cán bộ, nhân viên, sinh viên tới Nhà hát Ba Trăm Năm (Tercentenary Theatre) dự Lễ khai mạc các hoạt động kỷ niệm. Lễ hội gồm có diễu hành, liên hoan văn nghệ và vũ hội
dưới ánh sao. Nhạc công cello số một thế giới Yo-Yo Ma tức Mã Hữu Hữu, người Mỹ gốc Hoa lai Pháp, cựu sinh viên Harvard khoá 1976, sẽ lên sân khấu biểu diễn. Bà Joanne Chang cựu sinh viên khoa Toán ứng dụng và Kinh tế Harvard khoá 1991, đầu bếp chính của tiệc kỷ niệm, sẽ làm một chiếc bánh ga tô đặc biệt để mừng ngày sinh của trường. Sự có mặt của hai nhân vật lừng danh này sẽ thu hút nhiều khách đến Harvard dự lễ hội.

Ngày 14/10 trùng với ngày hội hàng năm của Hội Cựu sinh viên Harvard. Hôm ấy Quỹ
Harvard sẽ tổ chức một đợt quyên tặng trường; đã có 700 người hứa dự hoạt động này.

Nhà trường sẽ kết nối với các cựu sinh viên Harvard trên khắp nước Mỹ và thế giới để
tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách phong phú nhất. Lực lượng này rất đông đảo và
quan trọng, xưa nay họ đã góp và vận động quyên góp cho ĐH Harvard những khoản tiền lớn.

Trong lần kỷ niệm này Harvard có dịp ôn lại những thành tựu trên các mặt khoa học,
phục vụ công chúng và nghệ thuật.

Hơn 200 năm sau ngày thành lập, Harvard mới bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa
học; trước đó họ chỉ làm giảng dạy. Năm 1788 một nhà báo Pháp đến đây đã hết sức
ngạc nhiên khi thấy trường này coi nhẹ nghiên cứu khoa học.

Người có công chuyển đổi Harvard thành một ĐH kiểu nghiên cứu là Charles William
Eliot, Hiệu trưởng Harvard lâu nhất (1869-1909). Sau cải cách quan trọng này Harvard trở
thành ĐH tổng hợp đa ngành có tính quốc tế và tên tuổi Eliot gắn liền với Harvard. Ông
đề xuất và thi hành chế độ để sinh viên tự chọn môn học (elective system) thay cho chế
độ cũ đã tỏ ra xơ cứng. Từ đó Harvard tiến rất nhanh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Ngày nay riêng bộ môn vật lý trường này đã có 10 chủ nhân giải Nobel.

Năm 2007 khi nhậm chức hiệu trưởng Harvard, bà Drew Faust đề xuất ý tưởng giáo dục
cao đẳng phải chịu trách nhiệm với tương lai của đất nước, vì thế Harvard có sứ mệnh
đưa các ý tưởng của mình đi vào thị trường. Thời gian 2006-2010, Harvard sáng lập 39
công ty, được cấp 216 bằng sáng chế; số lượng phát minh của các giáo viên lên tới 1270.
Nhà trường lập Văn phòng phát triển công nghệ và các cơ quan tương ứng để hỗ trợ,
phục vụ công chúng.

Trong hồi ký viết về năm 1923, William Eliot nhận xét: phục vụ nhân dân là một trong
các truyền thống chủ yếu của Harvard. Truyền thống này khởi nguồn từ thời Nội chiến
(1861-1865) rất nhiều học sinh Harvard xung phong ra trận chiến đấu. Tinh thần hy
sinh quên mình ấy được tiếp nối đến ngày nay. Sau 40 năm gián đoạn, từ tháng 3/2011
Harvard phục hồi chế độ Đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (Reserve Officers’Training
Corps); theo đó Hải quân Mỹ sẽ phụ trách huấn luyện quân sự cho sinh viên. Mấy năm
qua đã có hơn 200 sinh viên Harvard đang học xin nhập ngũ, đi chiến đấu tại Iraq và
Afghanistan.

Phục vụ xã hội trở thành nội dung quan trọng trong chương trình học tập. Tại trường
Luật Harvard, sinh viên phải hoàn thành 40 giờ phục vụ xã hội không lấy thù lao mới có
tư cách dự thi tốt nghiệp. Tại trường Chính trị Kennnedy, phục vụ xã hội lại càng được
coi là sứ mệnh quan trọng.

Tính quốc tế là một trong các đặc điểm nổi bật của Harvard. Người nước ngoài hiện
chiếm 1/5 tổng số sinh viên nhập học Harvard. Năm ngoái Harvard College (một trong 14
trường thành viên ĐH Harvard) cử 1500 giáo viên đến 104 quốc gia làm nghiên cứu khoa
học hoặc giảng dạy. Năm nay các giáo viên trường Harvard Mùa hè sẽ tham gia 28 đề tài
nghiên cứu khoa học tại 18 nước.

Nếu Harvard College hồi thế kỷ XVII – nơi đào tạo mục sư Thanh Giáo – coi hoạt động
sáng tác nghệ thuật là hành động phản nghịch, thì giờ đây ĐH Harvard hết mức đề cao và
tôn trọng các hoạt động ấy. Sáng tác nghệ thuật đóng vai trò nhận thức thế giới, là phần
quan trọng trong đời sống lý trí của Harvard. Tháng 4 vừa rồi, Văn phòng Nghệ thuật
Harvard cùng Khoa Âm nhạc tổ chức hoạt động “Chào mừng 40 năm nhạc Jazz”. Âm
nhạc sẽ chiếm vai trò quan trọng trong lễ hội 14/10 sắp tới.

Harvard là trường đại học lâu đời nhất tại Mỹ. Được thành lập năm 1636, tức 140 năm
trước ngày thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1776), thủa ban đầu đây chỉ là một trường
nhỏ đào tạo mục sư Thanh Giáo. Ngày 28/10/1636, Nghị viện thuộc địa Massachusetts
biểu quyết thành lập một trường cao đẳng theo kiểu ĐH Cambidge của Anh quốc, với
ngân sách được cấp mỗi năm 400 bảng Anh.

Trong số những người sáng lập trường có nhiều người từng tốt nghiệp ĐH Cambridge ở
Anh, vì thế thị trấn nơi trường Harvard toạ lạc cũng được họ đặt tên là Cambridge. Thoạt
tiên trường này cũng được gọi là Cambridge College. Ngày 13/9/1638, Nghị viện nói trên
quyết định đổi tên trường là Harvard College, theo tên ông John Harvard, ân nhân đầu
tiên của Cambridge College, người trước khi qua đời đã hiến tặng nhà trường một nửa tài
sản riêng (779 bảng Anh) cùng thư viện khoảng 400 cuốn sách. Với một nhà trường năm
đầu chỉ có 9 học sinh thì số tài sản hiến tặng ấy rất lớn và vô cùng quý giá. Có người tính toán: số tiền ấy mỗi năm tăng 6%, cứ 12 năm thì gấp đôi, đến nay giá trị lên tới nhiều tỷ bảng.

John Harvard (1608-1638) là một mục sư trẻ tốt nghiệp ĐH Cambridge ở Anh. Harvard
College đã dựng tượng để tưởng nhớ Harvard, nhưng thật ra pho tượng ấy không thể
hiện hình ảnh ông: vì Harvard không để lại bức chân dung nào, người ta đành chọn một
học sinh đẹp trai làm người mẫu tạc tượng. Tập tục này sau đó được lặp lại ở Học viện
William & Mary và ĐH Yale.

ĐH Harvard nổi danh khắp thế giới vì đào tạo được nhiều nhân tài. Hầu như tất cả các
nhà tiên phong trong Chiến tranh Độc lập đều từng học dưới mái trường này. Trong số
cựu sinh viên Harvard có 8 người trở thành Tổng thống Mỹ, 50 chủ nhân giải Nobel và
36 chủ nhân giải báo chí Pulitzer. Các nhà sáng lập Microsoft, IBM, FaceBook từng học ở
Harvard.

Những năm gần đây Harvard được xếp hạng thứ nhất trong các bảng xếp hạng ĐH ở
Mỹ như ARWU World, ARWU National, Times Higher Education và USNWR National
University.

ĐH Harvard được tư nhân hoá từ năm 1830, nghĩa là được nhận tiền tài trợ không những
của các nhà thờ và công ty, mà còn của các cá nhân. Đây là bước quan trọng làm cho
Harvard trở thành ĐH giàu nhất thế giới, nhờ thế không ít thanh niên nghèo được miễn
học phí học ở đây. Nhiều cựu sinh viên làm ăn khá giả, nhiều phụ huynh có con học Harvard đều muốn đóng góp để trường ngày một phát triển.

Khẩu hiệu truyền thống của Harvard đầu tiên là Veritas Christo et Ecclesiae (Chân lý cho
Chúa Ki Tô và Hội thánh) đưa ra năm 1643. Sau khi lập quốc, nước Mỹ thi hành tự do tôn
giáo, hủy bỏ sự chuyên chế của Ki Tô giáo, từ đó Harvard chỉ dùng khẩu hiệu Veritas (sự
thật/chân lý).

Harvard có hệ thống thư viện với hơn 15 triệu cuốn sách, là mega-library lớn thứ 4 trên
thế giới, chỉ sau Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Quốc gia Anh, Thư viện Quốc gia
Pháp.

Là trường tư thục, Harvard độc lập với chính quyền. Nhà trường đặt dưới sự lãnh đạo
của Hội đồng Quản trị Harvard Corporation, một công ty chuyên lo gây nguồn tài chính
cho nhà trường (và quản lý công việc nội bộ). Nhờ thế Harvard cỏ nguồn tài chính cực
lớn: năm 2010 lên tới 27,4 tỷ USD, tương đương ngân sách giáo dục của một quốc gia
tiên tiến. Hội đồng này bổ nhiệm Hiệu trưởng. Lương Hiệu trưởng cao hơn lương Tổng
thống Mỹ. Giám đốc các Học viện và các Chủ nhiệm Khoa do Hiệu trưởng bổ nhiệm.
Ngoài ra còn một Ủy ban Giám sát công việc nhà trường.

Lịch sử phát triển giáo dục cao đẳng cho thấy ngoài yếu tố phần cứng như trường sở,
phòng thí nghiệm, thư viện v.v... thì ý tưởng giáo dục (hoặc triết lý giáo dục theo cách
nói của GS Hoàng Tụy) là yếu tố rất quan trọng. Sở dĩ ĐH Harvard thường xuyên
được
xếp hạng đầu bảng là do có ý tưởng giáo dục rõ ràng, tiên tiến. Khẩu hiệu truyền thống
của nhà trường xưa nay vẫn là VERITAS, tức theo đuổi chân lý, sự thật. Đây là thước đo
đánh giá phương hướng phát triển của nhà trường.

Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới và sự phát triển
nhanh chóng của xã hội, Harvard đứng trước yêu cầu phải lựa chọn: hoặc là nghiêng về
các môn học ứng dụng có thể trực tiếp đem lại hiệu quả kinh tế, khuyến khích sinh viên
lập nghiệp, hoặc là vẫn kiên trì nguyên tắc giáo dục truyền thống là bảo đảm tính độc
lập của việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập.

Trên tạp chí Harvard số mùa thu năm 2000, hiệu trưởng Rudenstine viết: Harvard sẽ
không xoay chuyển theo cây gậy chỉ huy của nhu cầu xã hội luôn biến đổi, bởi lẽ Harvard
tin rằng xã hội thay đổi càng nhanh thì trường đại học càng thay đổi tương đối ít, mảnh
đất độc lập về tư tưởng càng có giá trị. Ông còn nói, sự phát triển của trường đại học
phải kiên trì ý tưởng và niềm tin của mình, cần thận trọng trước những khoản tài trợ kèm
điều kiện; nếu không tiếp tục làm nghiên cứu cơ bản thì khoa học ứng dụng sẽ nhanh
chóng suy thoái và khô cằn, vì thành công của nó tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu cơ
bản.

Ý tưởng giáo dục của ĐH Harvard là độc lập tư tưởng, quy chế học thuật nghiêm, chú trọng kết hợp chặt chẽ nhân văn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Độc lập tư tưởng là nguyên tắc giáo dục thứ nhất. Harvard cho phép và khuyến khích mọi
người tìm hứng thú trong độc lập suy nghĩ và hành động, nhà trường cố làm cho sinh viên
trở thành người tham dự phát triển, giải thích và sáng tạo tri thức mới hoặc hình thành
tư tưởng mới. Tương ứng, việc giảng dạy cũng từ lấy truyền thụ tri thức (transmission)
làm cơ sở chuyển sang sinh viên tự giáo dục (self-education) dưới sự hướng dẫn của thày
giáo.

Sinh viên mới vào trường được nhắc đi nhắc lại: các bạn đến đây là để suy nghĩ và học
cách suy nghĩ. Các giáo viên đều tự giác thể hiện nguyên tắc độc lập suy nghĩ vào việc
giảng dạy, họ tạo ra bầu không khí lớp học luôn luôn bình đẳng, nhẹ nhàng, không gò
bó nhằm kích phát tinh thần độc lập sáng tạo và khám phá của sinh viên; họ tạo nên mối
quan hệ bè bạn hợp tác với sinh viên chứ không phải mối quan hệ đẳng cấp thày trò.
Giáo viên dành rất nhiều thời gian vào các buổi lên lớp kiểu hội thảo, phụ đạo nhóm
hoặc phụ đạo cá nhân, làm thí nghiệm và tra cứu tư liệu. Việc sát hạch không còn dùng
kiểu kiểm tra thi cử cũ mà dùng hình thức nghiên cứu luận văn. Sinh viên dành nhiều thời
gian hơn cho hoạt động học ngoại khoá, họ độc lập đi tìm kiếm tri thức. Cách giảng dạy
ấy thể hiện sự tôn trọng sinh viên.

Quy chế học thuật nghiêm là bảo đảm quan trọng cung cấp luận chứng khoa học cho
những ý tưởng độc lập. Sao chép, lấy cắp hoặc xào xáo thay hình đổi dạng ý tưởng của
người khác là điều tối kỵ trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Harvard. Các giáo
viên không những yêu cầu tất cả các quan điểm trong luận văn của sinh viên đều phải
xây dựng trên cơ sở thu thập, phân tích và nghiên cứu tư liệu tham khảo, mà còn yêu cầu
các tư liệu được dùng làm căn cứ chính của luận văn phải là sản phẩm của việc nghiên
cứu học thuật đã được quy chế hoá. Thực thi quy chế học thuật nghiêm khiến sinh viên
có ý thức theo đuổi tư tưởng học thuật độc lập, có tác phong học thuật nghiêm cẩn trong
nghiên cứu khoa học.

Tuy là trường ĐH tổng hợp đa ngành nhưng Harvard cực kỳ coi trọng giáo dục khoa học
nhân văn và bồi dưỡng phẩm chất nhân văn. Nhìn chung Harvard tương đối ít cung cấp
cho sinh viên sự giáo dục nghề nghiệp, các sinh viên khoá cử nhân không được học luật,
y khoa, kinh doanh thương mại hoặc chuyên ngành công trình có tính chuyên nghiệp
mạnh. Ngay tại các trường chuyên ngành trong Harvard, các sinh viên học luật, thương
mại, giáo dục, y khoa, quản lý nhà nước v.v... cũng chỉ tập trung học lý luận cơ bản. Nhà
trường cho rằng trong xã hội sau này sẽ có rất nhiều người ít nhất hai lần đổi nghề; nếu
sự đào tạo dạy dỗ họ nhận được từ nhà trường không quá chuyên nghiệp hoá hoặc quá
hẹp thì khi ấy họ sẽ có thể tự điểu chình một cách thành công. Trong các môn học cốt
lõi (core column) của chương trình giáo dục tổng thể (General education) nổi tiếng của
Harvard, mỗi sinh viên khoá cử nhân phải học xong 8 lĩnh vực lớn, chia làm 32 môn học cốt lõi của 7 loại: văn hoá nước ngoài, nghiên cứu lịch sử, văn học nghệ thuật, luân lý
đạo đức, toán lý hoá, khoa học và phân tích xã hội. Mục đích nhằm giúp sinh viên nâng
cao năng lực tư duy phê phán và sức tưởng tượng, học được cách phát hiện và kiểm định
chân tướng sự thật, kiên trì phân tích nghiêm ngặt sự vật, nhận thức các vấn đề một cách
có cơ sở lịch sử và có lý trí v.v...

Trong khi nhấn mạnh công tác học thuật và nghiên cứu, Harvard đồng thời đặc biệt đề
cao tính quan trọng của giảng dạy giỏi đối với sứ mệnh của đại học. Cựu Hiệu trưởng
Rudenstine nhấn mạnh, trong bất cứ ĐH ưu tú nào, giảng dạy luôn luôn gắn chặt với
nghiên cứu; những tư tưởng và khám phá quan trọng trong công tác nghiên cứu và học
thuật và được đăng trên các tạp chí và trước tác xuất sắc nhất đều là bắt nguồn từ nội
dung và phương pháp giảng dạy. Đây là mặt khác nhau quan trọng về giảng dạy của ĐH
ưu tú với các ĐH khác. Ông cho biết, từ thế kỷ XIX sau khi sáng lập được các thư viện
kiểu nghiên cứu và các phòng thí nghiệm hiện đại, nhất là từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX
trở đi, công nghệ thông tin bắt đầu trở thành công cụ mạnh mẽ nhất nâng cao trình độ
nghiên cứu và giảng dạy. Harvard đã cố gắng đem lại cho sinh viên một phương thức học
tập và giải quyết vấn đề, coi sinh viên là những học giả và nhà nghiên cứu ở giai đoan
thực tập; cùng với các giáo viên, họ chủ động tham gia khám phá những sự vật chưa biết
hoặc kiểm nghiệm các giả thuyết và giải thích hiện có. Giáo viên thiết kế môn học cho
sinh viên, lên lớp giảng dạy, tổ chức hội thảo, đưa ra kiến nghị cho các dự án nghiên cứu
của sinh viên, tư vấn cho phương án thí nghiệm hoặc luận văn nghiên cứu của sinh viên,
hướng dẫn họ triển khai thảo luận, đặt trọng điểm vào việc trau dồi cho họ năng lực độc
lập lập suy nghĩ và năng lực phân tích, giải quyết vấn đề .

Chính là với những ý tưởng giáo dục tiên tiến như vậy, Harvard trở thành trường ĐH
được cả thế giới ngưỡng mộ.

Huy Đường