Souvenir du Portugal

Fernando Pessoa

Portugal

SAU KHI TÔI CHẾT

Sau khi tôi chết rồi nếu như ai đấy
Muốn viết tiểu sử của tôi, thì giản đơn thôi
Có hai ngày – là ngày sinh và ngày chết của tôi
Giữa những ngày này – là tất cả những ngày còn lại.

Mô tả tôi – là chuyện rất dễ dàng.
Tôi vốn nhìn đời như người bị ám ảnh.
Tôi yêu tất cả mọi thứ mà không đa cảm.
Không có ước mong mà không thực hiện được – không lầm.
“Nghe” đối với tôi là để hỗ trợ cho “nhìn”.
Tôi hiểu rằng mọi thứ đều khác nhau và có thực
Tôi hiểu điều này không bằng lý trí mà bằng con mắt
Bởi nếu không thì sẽ nhìn ra tất cả ngang bằng.

Một hôm tôi muốn ngủ như một đứa trẻ con.
Tôi nhắm mắt lại và ngủ rất yên lặng
Ngoài ra, tôi là nhà thơ duy nhất của thiên nhiên.

Fernando Pessoa

Fernando Pessoa sinh năm 1888 tại Lisbon. Bố là Joaquim de Seabra Pessoa làm việc ở Bộ Tư pháp, đồng thời là nhà phê bình âm nhạc cho báo Diário de Notícias. Năm 1893 bố mất vì bệnh lao, năm 1895 mẹ là Maria Magdalena Pinheiro Nogueira tái giá với João Miguel dos Santos Rosa, là lãnh sự Bồ Đào Nha ở Durban, Nam Phi.

Fernando Pessoa học tiểu học và trung học ở Durban, sớm bộc lộ năng khiếu về văn chương, rất yêu thơ của các nhà thơ cổ điển Anh như Shakespeare, Milton, Byron, Keats, Shelly, Tennyson… Thời gian này Pessoa làm thơ và viết văn bằng tiếng Anh. Năm 15 tuổi anh được giải thưởng của Nữ hoàng Victoria về Văn chương.

Năm 1905 Pessoa trở về Bồ Đào Nha, vào học khoa Ngôn ngữ của Đại học Lisbon nhưng bỏ học giữa chừng. Năm 1907 bà nội mất, Pessoa được hưởng một món tiền thừa kế cho phép chàng trai trẻ mở một nhà in nhỏ nhưng rồi cũng bị phá sản trong một thời gian ngắn sau đấy. Từ năm 1907 ông làm nghề dịch thuật nhưng phần lớn thời gian vẫn dành cho sáng tác. Các năm 1914 – 1916 ông là cây bút phê bình nổi tiếng của tạp chí Orpheu.

Fernando Pessoa mất ngày 30 tháng 11 năm 1935 ở Lisbon. Những lời cuối cùng đang viết dở bằng tiếng Anh: “I know not what tomorrow will bring…(Tôi không biết ngày mai sẽ mang đến điều gì… ).

Năm 1985, kỷ niệm 50 năm ngày mất, tro cốt của ông được đưa về an táng tại Tu viện Jerónimos nổi tiếng ở Lisbon.

DI SẢN

Khi còn sống, Fernando Pessoa chỉ được một số ít người biết đến. Người đương thời không mấy hiểu về tác phẩm của ông. Chỉ nhiều năm sau khi chết mới được công nhận là một bậc thầy ngôn ngữ của Bồ Đào Nha. Nhà phê bình người Mỹ Harold Bloom đặt Fernando Pessoa ngang hàng cùng với Pablo Neruda, nhà thơ Chilê đoạt Giải Nobel Văn học năm 1971.

Nguyễn Viết Thắng


VỀ TÁC GIẢ

Alberto Caeiro, cũng chính là Fernando Pessoa (1888-1935), không phải chỉ là nhà thơ lớn nhất của Bồ Đào Nha mà còn là một trong những tài năng và nhân cách lạ lùng nhất trong lịch sử văn học thế giới. Cả đời, ông sống một cách khiêm tốn và thầm lặng với nghề dịch thuật ở thành phố Lisbon, nhưng sau khi ông mất, Pessoa lại khiến mọi người kinh ngạc về sức sáng tác vô tiền khoáng hậu của ông. Có lúc, ví dụ ngày 8 tháng 3 năm 1914, trong một cơn hứng, ông phóng tay làm hơn 30 bài thơ rồi ký dưới tên Alberto Caeiro. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, phê bình, nghiên cứu về xã hội học, triết học và chiêm tinh học. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tài sản văn học ông để lại vô cùng đồ sộ. Sau khi ông mất vào năm 1935, người ta tìm thấy trong nhà ông có đến 27.000 tác phẩm lớn nhỏ. Điều thú vị là những tác phẩm ấy được ký dưới 86 bút danh khác nhau; có bút danh chỉ xuất hiện một hai lần, nhưng cũng có những bút danh đã nổi tiếng và được rất nhiều độc giả và giới phê bình ngưỡng mộ. Việc sử dụng nhiều bút danh tương đối phổ biến trên thế giới. Nhưng trường hợp của Pessoa thì khác. Ông không những ký nhiều bút hiệu mà ở mỗi bút hiệu chính, ông còn tạo ra một tiểu sử riêng; hơn nữa, họ còn có bút pháp riêng, không lẫn lộn với ai cả. Chính vì thế, trong suốt bao nhiêu năm, ngay cả những người sành sỏi về văn học nhất cũng bị nhầm, vừa ngỡ ngàng vừa hân hoan trước sự nở rộ của nhiều tài năng văn học trong một thời gian ngắn ngủi. Cũng chính vì vậy, đánh giá sự nghiệp của Pessoa, nhiều nhà phê bình cho ông không phải chỉ là một nhà thơ lớn, một nhà văn lớn mà còn là cả một nền văn học lớn.

Cuộc đời tình ái của ông cũng rất lạ. Ông sống độc thân, không bao giờ lập gia đình; nhiều nhà nghiên cứu còn cả quyết là đến lúc mất ông vẫn còn tân, chưa từng có quan hệ với phụ nữ. Đúng ra, ông cũng đã từng có bạn gái, Ophelia Queiroz, nhưng mối tình của họ chỉ kéo dài có sáu tháng, lúc Pessao 31 tuổi và Queiroz 19 tuổi. Theo lời của chính Queiroz, trong suốt sáu tháng họ yêu nhau, ông chỉ hôn bà một lần duy nhất trên một chuyến xe buýt!

Vậy mà Pessoa lại làm rất nhiều thơ tình, trong đó có rất nhiều bài hay, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Có điều, thơ tình của ông có khá nhiều chất trí tuệ. Có thể nói chất trí tuệ là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ của Pessoa.
....

VỀ SỰ THÔNG MINH

Pessoa không những sáng tác mà còn viết tiểu luận, nghiên cứu và phê bình. Tư tưởng ông không thành hệ thống để có thể được xem là một lý thuyết gia nhưng rải rác ở nhiều chỗ, chúng ta cũng có thể bắt gặp những nhận xét rất độc đáo. Tôi sẽ lần lược trích dịch và đăng tải một số ý kiến của Pessoa liên quan đến văn học, nghệ thuật và đời sống. Đoạn văn dưới đây được trích từ cuốn The Book of Disquiet do Richard Zenith biên tập và dịch thuật từ tiếng Bồ Đào Nha và được Penguin Books xuất bản năm 2001.

Không có một ý tưởng thông minh nào có thể đạt được sự đồng thuận trừ phi nó bị trộn lẫn với một chút gì đó ngu xuẩn. Tư tưởng tập thể ngu xuẩn bởi vì nó có tính tập thể. Không có gì vượt qua được địa hạt của tập thể mà không để lại ở biên giới – như một thứ thuế đường – hầu hết những sự thông minh mà nó hàm chứa.

Thời trẻ, chúng ta có hai mặt. Trí thông minh bẩm sinh của chúng ta, có thể đáng kể, tồn tại song song với sự ngu xuẩn vì thiếu kinh nghiệm, hình thành một trí thông minh thứ hai, thấp hơn. Chỉ sau này chúng mới hợp nhất lại. Bởi thế cho nên tuổi trẻ luôn sai lầm – không phải vì sự thiếu kinh nghiệm, mà vì sự bất hợp nhất của nó.

Ngày nay, khoá học duy nhất còn lại cho kẻ thông minh thượng thừa là sự thoái vị.

Phan Quỳnh Trâm

https://en.wikiquote.org/wiki/Ferna...

BT: Đông Tỉnh NCCông