P/V HỌA SỸ LÊ KINH TÀI

"NGHỆ THUẬT KHÔNG LÀ CUỘC CHƠI"

Là một trong những gương mặt nổi bật của mỹ thuật đương đại Tp. Hồ Chí Minh sau năm 2000, họa sỹ Lê Kinh Tài có phong cách nghệ thuật độc đáo: những nhân vật “người”- “con”của ông giàu bản năng và các biểu tượng triết lý nhân sinh của đời sống đương đại - đôi khi chứa đựng nhiều tín hiệu trừu tượng rất khó nắm bắt. Sở hữu bút pháp mạnh mẽ, bảng màu tươi chói, tâm thế hào sảng và tư duy cách tân, đặc biệt có khí chất nhạy cảm luôn nồng nàn cảm xúc với nguồn đề tài bất tận chắt lọc ra từ vỉa dày trải nghiệm đời mình, ông sáng tác tranh và tượng với một quan niệm rất rõ: “Tôi muốn vẽ vẻ đẹp bên trong của con người, nơi chỉ có chính mình mới đi tìm mình và hiểu được mình đang nghĩ gì, trăn trở gì”. Nhân dịp ông mang 2 tranh khổ lớn ra Hà Nội tham dự một triển lãm nhóm vào tháng 9/2016, chúng tôi có buổi mạn đàm thẳng thắn và chân tình xoay quanh chuyện đời, chuyện nghề của người họa sỹ và những quan điểm cá nhân về mỹ thuật thời kỳ Đổi Mới.

Thưa ông, ông quan tâm đến hội họa từ bao giờ và vì sao ông lại chọn con đường trở thành họa sỹ?

Năm lên 12 tuổi, tình cờ vào hiệu sách gần nhà, tôi mua được cuốn “Sáng tác mỹ thuật 1978”, rồi “Sáng tác mỹ thuật 1979”, những Nguyễn Sáng với Giặc đốt làng tôi, Tự vệ Sài Gòn của Hoàng Trầm, Tre của Trần Đình Thọ, Bồng tượng thạch cao của Nguyễn Hải v.v đã mê hoặc tôi, và trong những năm ấy tôi đã bắt đầu hí hoáy với các thỏi màu sáp, các hộp màu Gouache của “Xưởng sản xuất họa phẩm Mỹ thuật Việt Nam”. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ba tôi muốn tôi thi vào đại học Kinh tế, nhưng tôi lại khăn gói vào Sài Gòn thi mỹ thuật, để thỏa ước mơ làm họa sỹ.

Ông có nhớ cuộc triển lãm đầu tiên mà ông tham gia không?

Năm 1992, khi là sinh viên năm thứ nhất, tôi mạnh dạn gửi bức tranh trừu tượng tôi vẽ ngoài giờ của mình chứ không phải bài học để tham dự giải “Hội họa Saigon Tourist” tranh đựơc chọn treo tại Hội Mỹ thuật Tp. HCM, và cũng là bức tranh đầu tiên trong đời tôi bán được ngay sau triển lãm. Tháng 2 năm 2006, nghĩa là sau 9 năm tốt nghiệp mỹ thuật, tôi mở triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Tản mạn cuộc sống”, đó là hai khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà tôi không thể quên.

Ông sáng tác có dễ dàng không?

Trong những năm đầu mới ra trường, điều này quả thật là cực kỳ khó đối với tôi, tôi không biết bắt đầu từ đâu khi đứng trước tấm toan khi không có thầy hướng dẫn như trong trường, thường tôi vẽ 1 bức ưng ý thì có đến vài bức bị bỏ đi. Bốn năm sau, qua nhiều biến cố từ công việc, đến gia đình, con cái, tôi không xem vẽ như một nghề nữa, tôi lao vào kiếm tiền từ việc làm design, decor, giai đoạn này tôi thường viết nhiều hơn vẽ, viết để giải tỏa các áp lực, viết để yêu mình, yêu đời, khi buồn chán hay cả khi hân hoan. Nhưng có điều, tôi không dễ bỏ rơi khát vọng làm họa sỹ từ bé của mình, tôi bắt đầu thử dùng sơn để “viết” trên các tấm toan bằng các hình vẽ, bằng các con chữ mang tính ý niệm nhiều hơn là tìm sự duy mỹ thuần túy. Khi say việc, như một quán tính, tôi quên hết các quy tắc về hòa sắc hay bố cục trường quy đã làm tôi đau đầu, những thứ tạo ra nó làm tôi vui, nó an ủi tôi là chính, tôi không nghĩ là tôi đang vẽ tranh. Cho đến một ngày, tôi nhận chân ra rằng tính cá nhân trong hội họa bắt nguồn từ chính cuộc sống của tác giả là đây, là những gì mình hiểu nhất, là những gì làm cho mình thoải mái và hạnh phúc khi được giải phóng ra khỏi cơ thể nhất... Cứ như vậy, mỗi đêm sau giờ làm việc kiếm tiền, tôi dành nhiều thời gian cho việc lọc lại những thứ tôi từng viết, tôi từng hiểu về nhân sinh quan trong cuộc sống, thật dễ dàng để tôi chuyển hóa nó lên mặt toan. Hai mươi năm tròn, cho đến hôm nay, thật tình, với tôi không gì tự tin hơn khi đứng trước tấm toan, tôi như không vẽ, tôi như đối thọai trực tiếp một cách trung thực với tôi, về sự sống, về bản ngã của con - người qua những nhát bút để tạo ra các hình thể mà tôi “thấy” và đối diện với nó hàng ngày.

Trong tranh ông luôn xuất hiện những nhân vật nửa người nửa thú là vì sao?

Tôi đã cam đoan và luôn cá cược với chính mình rằng bên trong tôi luôn hiện diện 2 thứ, một phần “Cái Con” và một phần “Cái Người”. Tôi cảm thấy vui và yêu đời hơn với suy nghĩ kỳ dị này, thế là tôi vẽ. chỉ đơn giản vậy thôi.

Tại sao trong tranh ông luôn xuất hiện những chữ, những câu mà lúc tiếng Việt, khi tiếng Anh. Đó là một thứ mã code hay là biểu tượng gì?

Tôi có thói quen viết những điều mình muốn “bày tỏ” (statement) trước khi vẽ, sau đó cần nhiều ngày, có khi rất nhiều ngày để hình tượng hóa thứ mình muốn vẽ thành một cá thể nào đó có thể bao quát hết nội dung mình muốn chuyển tải, tuy nhiên trong lúc vẽ tôi lại thấy chưa đủ, bởi những ý nghĩ mới được cộng thêm quanh đề tài chính chợt tới, như có những tiếng nói trong đầu thúc giục, vậy là tôi xổ ào luôn lên tranh, khi tiếng Việt, khi tiếng Anh, khi ngắn khi dài, cái nào tiện và nhanh đuổi kịp với dòng suy nghĩ và cả cách vẽ “hành động nhanh”(fast action) của mình là tôi làm. Những lúc như vậy tôi mới thấy “tôi”hơn.

Nhân dịp triển lãm “Mở Cửa” - 30 năm mỹ thuật thời kỳ Đổi Mới (1986-2016) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 9/2016, xin ông cho biết quan niệm cá nhân về “đổi mới” và giai đoạn được gọi là “đổi mới” trong nghệ thuật nước ta mấy thập niên qua?

Với nhìn nhận cá nhân tôi, trong bất kỳ lĩnh vực nào, ở nước mình người ta cũng đã lạm dụng hai từ “Đổi mới” quá nhiều, và sau đó thì nhiều ý kiến phản hồi cho rằng “bình mới rượu cũ” hay ngược lại cũng vậy. Nó chỉ như hồi chuông tự khích lệ, tự an ủi, sau đó thì chìm và rơi vào quên lãng.

Nếu lạm bàn về “Đổi mới trong nghệ thuật”? Cần phải hiểu rõ hơn việc cần làm là đổi mới trong tư duy sáng tác chứ không phải mong chờ thay đổi hình thái trong tác phẩm của người nghệ sỹ, cần phải đổi mới cơ chế quản lý đường lối văn hóa văn nghệ, thậm chí đổi mới trong đầu tư phát triển nghệ thuật tầm quốc gia thì mới đáng bàn. Tôi cho rằng để đổi mới trong nghệ thuật không phải cứ nói là làm mà cần có một chiến lược cụ thể trong giáo dục thẩm mỹ người dân, nâng tầm nhận thức mỹ cảm từ trong giáo dục học đường, có như vậy mới có quyền mong 10 năm, 20 năm nữa có sự đổi mới trong nghệ thuật.

Mỹ thuật Việt Nam từng có những tên tuổi lớn từ buổi sơ khai mà người Pháp thổi luồng gió vào Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.v.v. thế hệ kế tiếp như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên Nguyễn Sáng hay Hoàng Trầm, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân... Chúng ta có quyền tự hào và tôn vinh cũng như có trách nhiệm bảo tồn bảo tàng những tác phẩm cô cùng quý giá họ để lại, ngoài những giá trị đích thực từ các tác phẩm, nó còn mang tính lịch sử sơ khai của Việt Nam thời Mỹ thuật Đông Dương, đó là tự hào dân tộc, có thể nói đó là đỉnh cao “thời vàng son” của mỹ thuật quốc gia, nhưng nếu chỉ dựa trên nền tảng quy chuẩn “cái đẹp” ở thời kỳ này một cách đóng khung để đánh giá sự phát triển hay tìm kiếm những hạt giống mới mang tính tiên phong trong hơi thở của thời đại mới của các nhà quản lý nghệ thuật như hiện nay, thể hiện rõ qua các giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, chúng ta nghĩ gì khi các sáng tác được gọi là “đổi mới” lại luôn tăm tắp có cùng ý niệm?

Một thế hệ nhiều người hay nhắc và cho đó là “thời vàng son” kế tiếp của mỹ thuật Việt: “Hội họa thời mở cửa”, có người tỏ ra tiếc rẻ về “thời vàng son” trong những năm đầu của thập kỷ 90 của mỹ thuật Việt Nam, đó là thời chuyển mình từ cơ chế “văn hoá xin - cho” bao cấp, vốn làm trì trệ không ít tư duy sáng tạo của nghệ sỹ, sang “cơ chế thị trường”, các sáng tác ít nhiều không còn bị quy chụp là “hủ hóa”, là “lai căng” nữa, nhiều tác giả say với cơ chế mới thỏa sức bay bổng; khách quan mà nói, đây là thời “ăn nên làm ra” nhất của rất nhiều họa sỹ, một mặt, “giới nhà giàu” không còn ngại chuyện “đánh tư sản” nữa, họ đầu tư và thậm chí đầu cơ trước làn sóng khách du lịch nước ngoài mua tranh Việt như một thú chơi sành điệu tao nhã ... Các nghệ sỹ “sống được” bởi do nhu cầu vật chất cần thiết thay đổi sau “vấn nạn nghèo khó” tràn khắp đất nước của cơ chế bao cấp, họ bán tác phẩm với giá khá rẻ, và không ít nghệ sỹ tỏ ra dễ dăi với các sáng tạo của ḿnh ... Cá nhân tôi xin được nói thật lòng mình, nếu có tiếc rẻ, tôi không tiếc về xu hướng nghệ thuật “thời vàng son” này, tôi tiếc về hệ lụy giá trị thương trường của nó kéo dài cho đến hôm nay hơn... Nói một cách chua xót và bi hài rằng, xét về mặt thị trường nghệ thuật, nếu cho đó là “thời vàng son” của mỹ thuật Việt thì thời vàng son này, theo tôi lẽ ra không nên có thì hay hơn.

Trở lại với triển lãm “Mở Cửa”, ví như “so bó đũa chọn cột cờ” của ba nhà giám tuyển quả là khó cho họ, qua danh sách 50 họa sỹ, phải khách quan nhìn nhận rằng nhiều tác giả có tầm ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau là một ghi nhận không thể bàn, song theo cá nhân tôi một danh sách với những cái tên như thế vừa rất thừa mà cũng rất thiếu.

Có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật đương đại ở khu vực hay thế giới, xin ông cho nhận xét về các xu hướng của nghệ thuật đương đại Việt Nam đặt trong bối cảnh nghệ thuật khu vực và thế giới?

Tôi vẫn thường hay đi xem các hội chợ nghệ thuật quốc tế ở các nước trong khu vực Asean, lần gần đây nhất là Art Basel tại Hongkong hồi tháng 3. Thành thật mà nói, thiển ý tôi, ngoài các danh họa như Henri Matisse, Yoya Kusama, Botero, Picasso, Miro v.v… đã làm nên lịch sử hội họa thế giới... Tôi cho rằng nhiều nghệ sỹ đương đại Việt Nam có nhiều tác phẩm đã thực sự hòa vào dòng chảy trào lưu cho đến xu hướng mới không hề kém cạnh các tác phẩm của các nghệ sỹ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được giới thiệu tại đây. Thế nhưng tại sao luôn thiếu vắng các gallery Việt Nam tham dự hội chợ? Cá nhân tôi cho rằng chi phí cho việc tham dự là rào cản lớn nhất.

Được biết ông là người có tranh bán giá cao nhất nhì Việt Nam hiện nay, xin ông cho biết ý kiến cá nhân về tâm thế sáng tác trong thời buổi thị trường với những xu hướng thương mại hoá bủa vây và sự cạnh tranh khốc liệt?

Nếu làm nghệ thuật mà cái đầu chỉ nghĩ đến tiền, tiền có thể đến mà cũng có thể không. Nếu làm nghệ thuật mà cái đầu chỉ nghĩ đến chuyện lỗ lãi khi đầu tư sáng tác, tiền cũng có thể đến mà cũng có thể không. Nếu làm nghệ thuật mà lòng chứa đầy ganh tỵ, hiềm khích, sáng tác sẽ u uất, gò bó, vì tranh cũng là người, thế thì tiền nó cũng chán mình mà không thèm ghé thăm (cười).

Vậy quan niệm của ông về nghệ thuật nói chung là gì?

Nghệ thuật không là cuộc chơi, nó khắc nghiệt vô cùng tận. Nghệ thuật luôn bắt nguồn hoặc cập nhật tư duy mới nhất có thể, từ tâm thức cho đến hành vi trong lao động nghệ thuật phải thật trong.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của cá nhân người nghệ sỹ trong đời sống văn hoá nghệ thuật?

Trách nhiệm của người nghệ sỹ là chuyển tải các thông điệp mang tính nhân văn từ cuộc sống va đập vào mình thông qua tác phẩm, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật do người nghệ sỹ tạo ra với mục đích cao cả nhất là phục vụ món ăn tinh thần cho chính con người thời đại đó. những giá trị thẩm mỹ mới được phát sinh trong cùng thời đại ấy, có thể được đón nhận hoặc hoài nghi, song các giá trị khi được gọi là vĩnh hằng phải được đúc kết và công nhận từ thế hệ sau.

Xin cám ơn ông. Chúc ông có được sức khoẻ để tiếp tục mang lại cho cuộc đời những món ăn tinh thần ngon - bổ - và với giá cả xứng đáng !

Phạm Long 30/12/2016