Tăng học phí ?

P/v GS Phạm Minh Hạc

"Chúng ta phấn đấu cho việc HS đi học đúng độ tuổi, phổ cập GD các cấp nhưng HS vẫn phải đóng học phí, đó là điều thế giới họ không hiểu được!
"

Đề án học phí mới của Bộ GD-ĐT đang là đề tài nóng được nhiều người quan tâm, với những ý kiến trái chiều. Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề tài này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Giáo dục, chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, nói:

- Nếu nói chúng ta đang thiếu ngân sách chi cho giáo dục (GD) là đúng. Chỉ nói riêng về trường sở, hiện nay không có một trường VN nào đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Một số tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 40% trường học tạm ổn...

Tuy vậy, nếu đặt ra vấn đề lấy tăng học phí, coi học phí là nguồn chính để chi cho GD thì không thể được. Tôi cho rằng chúng ta phải tiến tới xóa bỏ học phí, trước hết là miễn học phí ở bậc phổ thông trong các trường công lập chứ không phải là tăng học phí. Khi chúng ta phấn đấu cho việc HS đi học đúng độ tuổi, phổ cập GD các cấp nhưng HS vẫn phải đóng học phí, đó là điều thế giới họ không hiểu được!

Nếu chúng ta không đi đến tận nơi xem người dân sống thế nào, chỉ ngồi tính trên bàn giấy thì những gì chúng ta đề ra gặp phản ứng của xã hội là điều dễ hiểu.

* Theo GS, liệu việc đưa ra khung học phí mới có cải thiện được tỉ lệ chi cho GV và bù đắp được kinh phí cho các hoạt động khác không?

- Phải nói rằng lương GV hiện nay vẫn chưa đủ sống. Nhưng để giải quyết điều này cần phải có lộ trình tăng lương riêng. Còn học phí không phải công cụ để tăng lương. Đề án học phí cần phải làm rõ việc sử dụng học phí vào mục đích đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...có nghĩa phục vụ trực tiếp cho người đi học

* Việc xác định học phí dựa trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của nhân dân, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng cách tính toán trong đề án chưa sát với thực tế đời sống của người dân, ý kiến GS thế nào?

- Nếu lấy GDP bình quân cả nước để tính thì không hợp lý. Thu nhập bình quân cả nước là 6 USD/ngày/người. Nhưng tôi biết có những người dân thu nhập không đến 100.000 đồng VN/tháng. Nếu đánh đồng giữa các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội để tính mức học phí thì ở những nơi khó khăn, người dân sẽ không đủ điều kiện cho con đi học.

Ở nông thôn, thu nhập chủ yếu của người dân trông vào nghề nông. Giá 2- 3 tạ thóc chỉ bán được 1 triệu đồng. Một năm, một gia đình thu hoạch không đến 3 tấn lúa, chưa kể những bất trắc gây thiệt hại cho mùa màng... Nếu chúng ta không đi đến tận nơi, xem người dân sống thế nào, chỉ ngồi tính trên bàn giấy thì những gì chúng ta đề ra gặp phản ứng của xã hội là dễ hiểu.

* Nhưng nếu không tăng học phí, theo các nhà quản lý GD thì bài toán chất lượng GD sẽ khó thực hiện được, nhất là bậc ĐH.

- Có ý kiến cho rằng tăng học phí tỉ lệ thuận với chất lượng GD. Nhưng tôi thì không nghĩ như thế. Chúng ta vẫn có những HS nghèo nhưng học giỏi, thành đạt làm rạng danh đất nước.

Chất lượng GD liên quan đến nhiều yếu tố, không thể đổ lỗi cho việc không có tiền. Hơn nữa, không nên coi học phí là nguồn chính chi cho GD, mà ngoài ngân sách nhà nước cần phải tận dụng các nguồn thu khác. Ví dụ như nên bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng thuế GD, dựa trên doanh thu, lợi tức hằng năm của họ. Vấn đề này đã từng được nhắc đến trong nghị quyết của Chính phủ, nhưng không thấy triển khai.

Tôi cho rằng đến lúc các doanh nghiệp, nơi sử dụng sản phẩm của GD, phải có trách nhiệm với GD bằng hành động cụ thể là đóng thuế. Bên cạnh đó nên khuyến khích các trường ĐH triển khai những đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng, mở các cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường ĐH để lấy nguồn thu đầu tư trở lại cho đào tạo. Việc mở trường trong các doanh nghiệp như mô hình trường ĐH FPT cũng là một hướng hay... Có nhiều cách làm để tăng nguồn thu cho GD chứ không phải bằng tăng học phí.

* Nếu đề án học phí vẫn được thông qua thì theo GS, cần phải làm gì để bài toán tăng học phí có tính thuyết phục đối với nhân dân?

- Tôi cho rằng cần phải minh bạch, công khai trong chi tiêu cho GD. Đó là một điểm mấu chốt để có thể thuyết phục được dư luận xã hội nói chung. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT cung cấp, từ năm 2000- 2006 ngân sách nhà nước chi cho GD chuyển thẳng 73,8% cho các tỉnh, thành phố, 21,2% cho các bộ, ngành khác, còn Bộ GD-ĐT chỉ nắm giữ 5% ngân sách. Trong khi thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy qua kiểm tra 30 tỉnh, thành phố thì có 26 tỉnh, thành phố chi không đúng ngân sách GD.

Đây rõ ràng là một sự không minh bạch. Mà không, phải nói đó thật sự là vấn đề "bí hiểm". Muốn tăng học phí nhưng vấn đề minh bạch tài chính chưa làm được, chưa giải trình được những việc "bí hiểm" kia thì khó thuyết phục được người dân.

TRỊNH VĨNH HÀ (TT) thực hiện