Phương Tây hạ thấp vai trò trận Stalingrad?

Nói chung phương Tây có xu hướng xem nhẹ vai trò đi đầu của Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Trận đánh lịch sử tại Stalingrad (Liên Xô) cũng được cho là nằm trong sự đánh giá thấp đó.

Về vấn đề này, Tướng Makhmut Gareyev, cựu binh Thế chiến 2, Chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Nga, đã có bài viết trên trang tin Russia Beyond the Headlines.

Theo ông này, một số sử gia phương Tây cho rằng không phải trận Stalingrad mà chính là chiến thắng của quân Đồng minh tại El Alamein (Ai Cập) tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.

Vị tướng Nga này thừa nhận phe Đồng minh phương Tây đã có 1 chiến thắng quan trọng tại mặt trận El Alamein và chiến thắng này góp phần đáng kể vào thất bại chung của kẻ thù. Tuy nhiên ông chỉ ra rằng, chiến thắng đó không thể sánh được với chiến thắng Stalingrad cả về quy mô và ý nghĩa xoay chuyển toàn cục.

Pháo đối chọi với xe tăng tại mặt trận Stalingrad (ảnh tái hiện của IMFDB)

Trận chiến El Alamein lần 2 diễn ra từ 23/10/1942 đến 4/11/1942 giữa đạo quân do tướng Anh Montgomery chỉ huy với lực lượng của Thống chế Đức Rommel gần thị trấn El Alamein nằm bên bờ Địa Trung Hải và cách Cairo 150 dặm về phía Tây.

Mùa hè năm 1942, phe Đồng minh phương Tây gặp nhiều khó khăn khi quân Đức đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô sau chiến dịch Barbarossa còn Tây Âu thì gần như nằm trọn dưới gót giày phe phát xít. Trong trường hợp Quân đoàn châu Phi của Đức tới được kênh đào Suez thì khả năng tiếp vận cho phe Đồng minh phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. (Nếu tình huống đó xảy ra, con đường tiếp vận thay thế cho họ sẽ là qua ngả Nam Phi – vừa xa vừa nguy hiểm.) Ngoài ra, việc mất Suez và Bắc Phi sẽ giúp phát xít Đức tiếp cận được dầu mỏ ở Trung Đông và vịnh Persian đồng thời gây tác động tâm lý xấu đối với khối Đồng minh.

Chiến thắng El Alamein đã buộc Quân đoàn châu Phi của Đức phải rút lui, chấm dứt mối đe dọa của quân đội phe Trục đối với Ai Cập, kênh đào Suez và các mỏ dầu ở Trung Đông và vùng vịnh Persian. Chiến thắng quyết định đầu tiên này của phe Đồng minh phương Tây (kể từ năm 1939) đã lấy lại tinh thần cho phe này. Đây còn là trận đánh lớn trên bộ duy nhất mà người Anh giành thắng lợi không cần sự tham gia trực tiếp của Mỹ. Chiến thắng cũng thuyết phục người Pháp hợp tác trong chiến dịch Bắc Phi. Phe Trục tại Bắc Phi sau đó đã phải đầu hàng vào tháng 5/1943.

Tuy nhiên, có 1 điều đáng lưu ý là trong trận đánh này, lực lượng của Đức thiệt thòi hơn quân Anh rất nhiều (xét cả về cả quân số và hậu cần) do Đức Quốc xã đang dồn sức cho trận đánh khổng lồ tại Stalingrad.

Giao tranh trong thành phố Stalingrad (ảnh tái hiện của odkrywca.pl)

Theo ông Gareyev (có bằng tiến sĩ về khoa học quân sự và lịch sử), trận Stalingrad diễn ra trên 1 địa bàn rộng lớn (38.410 dặm vuông), trong khi chiến dịch El Alamein (lần 2) được tiến hành trên một dải hẹp ven biển châu Phi. Trận Stalingrad hai bên có tổng cổng 2,1 triệu quân (theo các nguồn khác, lúc cao điểm lên tới hơn 3 triệu), 2.100 xe tăng, trên 2.500 máy bay chiến đấu. Riêng phía Đức có hơn 1 triệu quân, 10.290 khẩu pháo, 675 xe tăng, và 1.216 máy bay. Còn tại mặt trận El Alamein, Quân đoàn châu Phi của tư lệnh Đức Rommel chỉ có 80.000 quân, 540 xe tăng, và 350 máy bay.

Về thời gian, trận Stalingrad kéo dài trong 200 ngày đêm (từ tháng 7/1941 đến tháng 2/1943) so với chỉ 11 ngày đêm của trận chiến El Alamein lần 2.

Về mức độ khốc liệt, cũng không thể so sánh được. Gareyev viết: Tại El Alamein, phe Trục mất 55.000 lính, 1.000 súng, 320 xe tăng trong khi ở Stalingrad, nước Đức và chư hầu chịu thiệt hại gấp 10-15 lần. Cụ thể tại Stalingrad, phe phát xít có tới 144.000 quân bị bắt làm tù binh và cụm tập đoàn quân đông tới 330.000 người đã bị tiêu diệt. Phía Liên Xô cũng chịu thiệt hại lớn khi có tới 478.741 người chết và mất tích.

Ý nghĩa xoay chuyển cục diện quân sự và chính trị cũng khác. Gareyev cho rằng, Stalingrad là mặt trận chính ở châu Âu trong khi El Alamein chỉ là một mặt trận phối hợp, và do đó tác động của nó đối với toàn bộ Chiến tranh Thế giới thứ 2 chỉ là gián tiếp.

Theo phân tích của tướng Gareyev, những thất bại và tổn thất lớn của lục quân Đức tại Stalingrad đã phá hoại vị thế chính trị và kinh tế của nước Đức Quốc xã, đẩy nó đến bên bờ khủng hoảng sâu sắc. “Số lượng xe tăng và xe quân sự của Đức mất trong trận Stalingrad ngang số lượng mà ngành công nghiệp Đức có thể sản xuất trong 6 tháng; số lượng súng cối và vũ khí bộ binh ngang trong 2 tháng. Đề bù đắp các tổn thất, ngành công nghiệp quốc phòng Đức phải hoạt động hết công suất trong tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.”

Các nữ chiến sĩ lực lượng phòng không Xô viết tại Stalingrad. Hỏa lực cao xạ của Hồng quân tại đây không chỉ gần như vô hiệu hóa cầu hàng không của phát xít Đức mà còn nhằm thẳng vào lục quân và thiết giáp Đức Quốc xã (ảnh: defence.pk)

Đòn chí tử trên bờ sông Volga cũng tác động lên tinh thần quân đội Hitler sau đó. Vẫn theo tướng Gareyev, tỷ lệ đào ngũ và bất tuân lời cấp trên gia tăng, tội phạm nội bộ quân ngũ cũng tăng. Đặc biệt hệ thống tòa án quân sự Đức Quốc xã đã thông qua nhiều bản án tử hình. Binh lính Đức bớt quyết tâm so với trước, và bắt đầu hình thành tâm lý lo lắng bị đánh tạt sườn và bao vây (giống trong trận Stalingrad). Thậm chí một số sĩ quan cấp cao của quân đội phát xít bắt đầu tính đến chuyện đảo chính lật đổ Hitler nhằm cứu vãn chế độ.

Không chỉ vậy, theo bài báo của tướng Gareyev, chiến thắng này còn làm rung chuyển và gây chia rẽ cả khối phát xít. Lo ngại kết cục thê thảm tại Stalingrad, lãnh đạo các nước phát xít chư hầu là Italy, Romania, Hungary và Phần Lan bắt đầu tìm cớ rút khỏi cuộc chiến tranh và phớt lờ mệnh lệnh của Hitler gửi thêm quân tới mặt trận Xô-Đức. Từ năm 1943, đã có không chỉ binh lính và sĩ quan riêng lẻ, mà còn cả các đơn vị quân Romania, Hungary, và Italy đầu hàng Hồng quân. Quan hệ giữa lục quân Đức và đồng minh trở nên căng thẳng. Thậm chí trận chiến Stalingrad còn làm cho giới cầm quyền Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ “tỉnh ngộ” và từ bỏ kế hoạch tuyên chiến với Liên Xô.

Vị cựu binh Nga cho biết, diễn biến tại Stalingrad còn làm cho nước Đức bị cô lập thêm trên trường quốc tế. Trong giai đoạn 1942-1943, chính phủ Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Canada, Hà Lan, Cuba, Ai Cập, Colombia, và Ethiopia, đồng thời khôi phục quan hệ ngoại giao với Luxemburg, Mexico và Uruguay.

Trung Hiếu (VOV)