Kho báu của Hitler

Ảnh: căn hầm chính trong mỏ muối Merkers, còn được gọi là phòng số 8.

Sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn nhiều tranh cãi về kho báu chứa vô số vàng, bạc, bạch kim, nữ trang, các tác phẩm nghệ thuật cũng như các đồ vật có giá trị khác mà Đế chế Đức thứ ba cướp được từ 1/3 thế giới.

Gần như không thể có cái nhìn tổng quan về vấn đề phức tạp này vì nó liên quan tới Vatican, các ngân hàng Thuỵ Sĩ, các ngân hàng Nam Mỹ, Ngân hàng Anh, Cục dự trữ liên bang Mỹ, và các kế hoạch trở lại của Đức quốc xã. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của đế chế này chuyển một số vàng và vật có giá trị vào các kho cá nhân. Các đồng minh và Liên Xô cũng chưa bao giờ thông báo tất cả số vàng họ thu được.

Hầm châu báu trong mỏ muối

Trong khi Đức quốc xã có các kế hoạch chuyển đa số vàng và tài sản có giá của chúng sang các nước khác, Mỹ cũng lên kế hoạch lấy lại những kho báu này. Nỗ lực của Mỹ nhằm lấy vàng của Đức quốc xã được tiến hành theo Chiến dịch Safehaven. Tuy nhiên, không ai biết chính xác về quy mô khổng lồ và sự phức tạp của nhiệm vụ này cho tới đầu tháng 4/1945.

Khi quân đội Mỹ tràn qua Tây Âu vào đầu năm 1945, Hitler quyết tâm không cho phép tài sản và kho báu nghệ thuật của đế chế này rơi vào tay kẻ thù. Hắn đã lệnh cất giấu dự trữ vàng, tiền giấy, tiền xu và ngoại tệ của Ngân hàng TW Đức trong một mỏ muối xa xôi ở bang Thuringia. Các bức tranh ở Berlin và những kho báu văn hoá khác mà Đức quốc xã cướp được từ các nước bị chiếm đóng cũng được cất giữ ở Merkers.

Đức quốc xã đã đặt bí danh cho chiến dịch lớn này là ’’Hải mã’’. Hai đoàn tàu được sử dụng để vận chuyển vàng bạc và các bức tranh từ Berlin tới Thuringia. Chiến dịch diễn ra khi Đức quốc xã đang trên bờ vực thất bại, các tuyến đường bị máy bay của quân đồng minh thường xuyên tấn công. Hitler dự định cho nổ tung các lối vào mỏ Merkers ngay khi Chiến dịch Hải mã hoàn tất do lo sợ các kho báu này có thể bị quân đội Mỹ phát hiện. Ngay khi mọi việc ổn thoả, vàng bạc và các bức tranh sẽ được các quan chức của đế chế này lấy lại một cách an toàn. Chính vì vậy mà các chuyên gia và các quan chức ngân hàng đã lập danh sách của hàng nghìn đồ vật quý giá.

Tuy nhiên, trước khi các mệnh lệnh của Hitler được thực hiện, sư đoàn bộ binh số 3 của Mỹ, dưới sự chỉ huy của Tướng George S. Patton đã tới mỏ.
Vào tối 22/3/1945, các đơn vị thuộc sư đoàn ba của Tướng George Patton vượt sông Rhine. Trưa ngày 4/4, đội quân này chiếm làng Merkers. Trong suốt ngày 4 và 5/4, một đơn vị phản gián đã thẩm vấn những người dân ở khu vực lân cận và nhiều người nói rằng họ thấy hoạt động bất thường quanh mỏ kali của công ty Wintershal AG’s Kaiseroda tại Merkers. Ngoài ra, có những tin đồn rằng Ngân hàng TW Đức giấu dự trữ vàng tại đó.
Trưa 6/4, thông tin này tới tai trung tá William A. Russell. Ông đã tới Merkers và thẩm vấn một số cư dân, những người đã khẳng định câu chuyện này. Ngoài ra, Russell biết được rằng TS Paul Ortwin Rave, Giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia Đức ở Berlin cũng như PGĐ the National Galleries ở Berlin đã có mặt tại đó để bảo quản các bức tranh. Sau đó, Russell đã thẩm vấn các quan chức mỏ về thông tin trên. Ông cũng thẩm vấn Werner Veick, thủ quỹ chính của Cục ngoại hối Ngân hàng TW Đức, người cũng có mặt ở mỏ này. Rave thừa nhận nhiệm vụ chăm sóc các bức tranh quý được cất ở đó. Còn Veick khai với Russel toàn bộ dự trữ vàng của Ngân hàng TW Đức được giấu trong mỏ.

Ban đầu, Russell đã yêu cầu tiểu đoàn tăng 712 được lệnh tới Merkers để bảo vệ các lối vào mỏ. Tới tối, thêm 5 lối vào mỏ được phát hiện và một tiểu đoàn tăng không đủ để bảo vệ mọi lối vào. Tướng Herbert L. Earnest sau đó lệnh cho tiểu đoàn 1 của trung đoàn bộ binh 357 tiến tới Merkers để tăng viện cho tiểu đoàn 712.

Sáng 7/4, người ta phát hiện thêm một số lối vào mỏ. Lính gác được bố trí tại tất cả những lối vào này. 10 giờ sáng, Russell và hai sĩ quan khác, cùng với Rave và các quan chức quản lý mỏ, tiến vào lối cửa chính. Lối vào này đưa họ xuống độ sâu 660m dưới mặt đất. Trong đường hầm chính, họ tìm thấy 550 bao tiền Đức. Tiến sâu hơn nữa, họ tìm thấy hầm chính, đằng sau một bức tường gạch dày 1m. Ở giữa bức tường là một cửa hầm đồ sộ.

Tướng Patton được thông báo chỉ tìm thấy một lượng lớn tiềnĐức, không có vàng. Khi lực lượng của Patton tiếp tục tiến nhanh vào Đức, Patton đã ra lệnh cho trung đoàn bộ binh 357, ngoại trừ tiểu đoàn 1, nhập vào sư đoàn bộ binh 90. Patton cũng ra lệnh mở cửa hầm.

Sáng sớm ngày 8/4, Russell, các nhiếp ảnh gia, phóng viên và một số lính của tiểu đoàn công binh 282 trở lại mỏ. Lần này, cửa hầm chính dễ dàng bị phá tung. Họ bước vào phòng số 8 và kinh ngạc trước quy mô của kho báu. Trước mắt họ là một căn phòng dài 45m, rộng chừng 23m, được thắp đèn song không có hệ thống thông gió. Bên trong phòng là trên 7.000 chiếc bao tải, được xếp gọn gàng thành 20 hàng, trải dài từ đầu phòng tới cuối phòng. Mỗi hàng cách nhau 0,7m và mọi chiếc bao tải được đánh dấu.

Ở cuối phòng có 18 chiếc bao và 189 vali, hòm và hộp được đánh dấu cẩn thận với nhãn Melmer - viên sĩ quan SS chịu trách nhiệm lấy các tài sản của những nạn nhân trong trại tập trung và đưa những tài sản đó vào một tài khoản của SS trong Ngân hàng TW Đức.

Rõ ràng những chiếc bao này thuộc về lực lượng SS. Đó cũng là manh mối đầu tiên về sự phức tạp và quy mô của hành động cướp bóc của Đức quốc xã tại châu Âu.

Niêm phong trên các bao tải bị phá để kiểm kê. Kết quả cho thấy có 8.198 thỏi vàng nén, hàng trăm bao tải chứa các đồ vật bằng vàng, trên 1.300 bao tiền mác Đức, bảng Anh, frăng Pháp bằng vàng, 711 bao chứa các mẩu vàng 20 USD, hàng trăm bao tiền xu vàng và bạc, hàng trăm bao ngoại tệ, gần 200 bao chứa các thỏi bạc, một bao chứa 6 thanh platinum. Kho báu này bộc lộ sự bạo tàn của chế độ Đế quốc xã vì danh sách kiểm kê còn có nhiều bao tải chứa vàng được lấy từ răng của các nạn nhân trong các trại tập trung.

Số phận của kho báu

Vào giữa tháng 8, số vàng bạc nói trên được cân và định giá. Lượng vàng lấy trong mỏ được định giá là 262.213.000 USD, bạc: 270.469 USD. Ngoài ra còn một tấn platinum và tám bao tiền xu loại hiếm chưa được định giá. Đầu năm 1946, số vàng trên được trao cho Cơ quan bồi thường của các đồng minh và cuối cùng được trao cho Uỷ ban ba bên về hoàn trả tiền vàng. Uỷ ban này sau đó đã trả lại vàng cho các ngân hàng trung ương của những nước bị cướp. Tuy nhiên, do Chiến tranh lạnh, một số vàng mãi cho tới năm 1996 mới được trả hết.

Trong những căn hầm khác, một lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy. Trong đó có khoảng 700 tác phẩm vô giá của các hoạ sĩ bậc thầy. Sau nhiều năm, đại tá Bernhard Bernstein, từng là cố vấn tài chính cho Bộ tư lệnh tối cao của quân đồng minh, đã nhớ lại cách ông đứng ’’trong mỏ muối lạnh, tối, xung quanh là vô số tác phẩm của Renoir, Duerer, Van Dyck và Rembrandt’’. 9.000 tác phẩm nghệ thuật được đóng thùng và chuyển tới Merkers từ các viện bảo tàng ở Berlin.
Khi biết tin, Tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ, Tướng Dwight D. Eisenhower đã lái xe tới mỏ này, mặc dù chiến sự vẫn đang tiếp diễn trong vùng. Những bức ảnh chụp ông và các sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ kiểm tra kho báu nghệ thuật này được truyền khắp thế giới.

Sau chiến tranh, Thuringia sẽ trở thành một vùng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Ý thức về điều này, quân đội Mỹ tiến nhanh để di chuyển hết kho báu ra khỏi mỏ muối. Một đoàn xe tải quân sự được sử dụng để đưa toàn bộ kho báu tới cất giữ ở Frankfurt, tại trụ sở của Ngân hàng TW Đức. Những năm hậu chiến, Frankfurt nằm trong vùng do Mỹ kiểm soát.

Tuy vậy, việc xử lý số châu báu thu được ở Merkers không phải là không gây tranh cãi. Không có tài liệu nào về lượng vàng thu được từ việc nấu chảy những chiếc răng vàng. Theo Norbert Moczarksi, một chuyên viên lưu trữ văn thư bang Thuringia, sau khi được chuyển tới Frankfurt, người ta mất dấu kho báu này trong những năm hậu chiến. Số phận của một phần số vàng và các đồ vật quý giá tại Merkers vẫn còn là điều bí ẩn cho tới ngày nay.

Chưa hết, còn một tranh cãi nữa: có phải kho báu Merkers là toàn bộ kho báu của Đức quốc xã? Tuy nhiên, điều chắc chắn là không có kho châu báu nào khác được tìm thấy ở châu Âu có thể sánh với quy mô của Merkers. Kho báu Merkers chiếm khoảng 50% tổng kho báu của Đức quốc xã, ước tính 1 tỷ USD thời giá năm 1940 hay 10 tỷ USD ngày nay.

Phần chìm của tảng băng

Đức quốc xã có các kế hoạch quay trở lại. Những kế hoạch này phụ thuộc vào khả năng giấu những của cướp được khỏi quân đồng minh. Một phần của kho báu được cất giữ an toàn trong các tài khoản bí mật tại ngân hàng Thuỵ Sĩ. Những phần khác được chuyển tới Nam Mỹ, chủ yếu là tới Argentina.

Một trong những chiến dịch chuyển vàng tới Argentina nằm dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của tên Martin Bormann. Có lẽ không một tên đảng viên quốc xã nào được nói tới nhiều như Martin Bormann. Gần đây, người ta mới biết về số phận của hắn. Tuy nhiên, những vật giá trị mà hắn chuyển tới Argentina trong dự án Hành động Feuerland của hắn, cũng như việc hắn phân tán các tài sản của Đức quốc xã, vẫn đầy bí ẩn và gây tò mò.
Theo các báo cáo sơ bộ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi còn đương nhiệm, Thuỵ Sĩ đã nhận được 440 triệu USD dưới dạng vàng từ Đức quốc xã. Trong số này có 316 triệu USD là của ăn cướp. Ngoài ra, một triệu đôla vàng được chuyển tới hai ngân hàng thương mại tư nhân Dresdner Bank và Deutsch Bank để bán lấy ngoại tệ. Trên 300 triệu đôla dưới dạng vàng của Đức quốc xã đã tới Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ - các nước cung cấp nguyên liệu cho Đế chế Đức.

Không có những nước trên, Đức quốc xã hẳn không thể tiến hành chiến tranh. Thuỵ Điển cung cấp quặng sắt chất lượng cao. Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp crôm. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cung cấp vônfram. Tất cả những kim loại này cần để sản xuất đạn dược và xe bọc thép hạng nặng. Đức quốc xã phải dựa gần như hoàn toàn vào các nước trên.

Nếu coi Nam Mỹ là nơi ẩn náu chính của Đức quốc xã sau chiến tranh, nên xem xét lại dự trữ vàng của các quốc gia Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina. Dự trữ vàng của Argentina tăng từ 314 tấn năm 1940 lên 1.064 tấn năm 1945, hay tăng 635 triệu USD. Dự trữ vàng của Brazil cũng tăng từ 45 tấn năm 1940 lên 314 tấn năm 1945, hay tăng 288 triệu USD. Người ta không bao giờ biết bao nhiêu phần trăm trong sự gia tăng dự trữ vàng của Nam Mỹ tới từ Đức quốc xã vào giai đoạn cuối cuộc chiến để tài trợ cho các kế hoạch trở lại.

Tuy nhiên, vàng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch trở lại của Đức quốc xã. Những thứ giá trị hơn đối với kế hoạch đó là lượng cổ phiếu, trái phiếu và chừng 750 công ty được Bormann thành lập trên toàn thế giới. Những công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hoá chất, điện, sắt thép, nắm giữ các bằng sáng chế giá trị và sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định để tài trợ cho hoạt động ngầm của Đức quốc xã.

Minh Sơn (VNN)