How to Choose & Use the Silk

Cách chọn và dùng đồ lụa

Lụa “xịn” nếu kéo mạnh, mép vải cũng không bị xô hay bị rạn, lụa không pha thì rút một sợi ra đốt, than sẽ rụng lả tả chứ không giữ nguyên sợi vải... Còn lụa nhập từ Trung Quốc thường pha nilon, dễ nhăn và nhàu, giá rất rẻ.

Đó là kinh nghiệm của nhiều người trong nghề dệt lụa tại làng Vạn Phúc khi phân biệt lụa “xịn” và lụa “rởm”.

Tại nhiều cửa hàng lụa Vạn Phúc ở chợ Ninh Hiệp, hay chợ Đồng Xuân, và một số cửa hàng trên thành phố Hà Nội bày bán nhiều loại hàng lụa. Khách không tinh không thể phân biệt được hàng thật được dệt tại quê lụa hay hàng nhập từ Trung Quốc. Khách quốc tế, thậm chí đã về tận làng lụa cổ truyền Vạn Phúc, chưa chắc đã mua được lụa “xịn”. Những người trong nghề thì mới phân biệt được các loại lụa.

Đặc điểm dễ thấy của lụa nhập từ Trung Quốc là dễ nhăn và nhàu, nhúng vào nước dễ bị phai màu, vải nhanh mủn và nhão, với giá rẻ trung bình trên 30.000 đồng một mét, trong khi giá lụa Vạn Phúc thật thường có giá trung bình trên 70.000 đồng, có loại xịn trên 100.000 đồng. Một khách hàng tại chợ Đồng Xuân nói: “Lụa “rởm” thì giặt vài lần đã thấy bục vải ở chỗ đường chỉ, vải áo đã bắt đầu nhàu nhĩ, nhăn nheo”.

Chị Thanh Hằng, chủ một đại lý bán lụa tại làng Vạn Phúc cho biết: “Lụa Trung Quốc thường rộng khổ (hơn 1m), có hoa dệt mà không có hoa in, khi đốt không cháy tan và không có nhiều mùi khét như mùi tóc. Lụa chính gốc làng Vạn Phúc nhỏ khổ hơn (từ 90cm đến 97cm), có hoa dệt và hoa in trên lụa, khi đốt cháy tan, mùi khét”.

Theo một người bán hàng thì lụa Vạn Phúc thuần chất thường chỉ trắng ngà chứ ít khi có màu trắng tinh, do dệt từ tơ tằm. Lụa trắng tinh thường do chất liệu pha.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trước hết là lụa Vân. Vân nghĩa là mây, nhìn trên lụa như thấy có mây. Đây là một kỹ thuật tinh tế mà trước kia chỉ làng Vạn Phúc mới dệt được. Lụa Vạn Phúc hiện nay có đủ các loại hoa: Hoa triện, hoa hồng, có hoa tròn, hoa vuông, hoa mây, hoa sóng.

Cao cấp nhất trong lụa Vạn Phúc có lẽ là sa tanh, chất lấp lánh như thuỷ tinh. Sa tanh có hoa hướng dương, hoa triện viền quanh mặt lụa, càng trở thành quý phẩm.

Áo lụa Vạn Phúc Hà Đông khoác lên người thấy mềm mại và nhẹ nhàng, rất thích hợp trong mùa hè, để may áo dài càng quyến rũ. Tuy đẹp, nhưng theo một nhà may tại Hà Nội thì những sản phẩm làm từ lụa rất ‘kén” người dùng và phải biết cách dùng.

Một số chủ cửa hàng bán lụa chính gốc Vạn Phúc cho biết, lụa và đũi thậm chí có thể giặt bằng xà phòng và giặt máy mà không sợ bị hỏng, vải không nhăn và không có hiện tượng bị phai màu. Nhưng theo khuyến cáo của nhà may, một số sản phẩm dù có thể giặt bằng máy thì tốt nhất vẫn nên giặt tay và bằng bột giặt không có chất tẩy. Khi giặt không nên vò hay vắt quá mạnh, không nên là ở nhiệt độ cao, có thể là lụa khi còn ẩm, sẽ giữ cho lụa được bóng đẹp, bền màu lâu hơn.

Thanh Phương (VE)