Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Nghề chơi cũng lắm công phu

Trần Chiến

Nghề chơi cũng lắm công phu

Thứ Ba 6, Tháng Mười 2020, bởi Trần Chiến

—“Ông Ích-âu (*) có gọi cô không, đi chứ?”.
Nhân đợi dài cổ, sốt ruột lắm mới nghe Bình ậm ờ:
— “Mít tờ Phong không uống cái đó nữa. Giờ Ba-lan-tin (*) mới là sành chết thật anh chả thấy cái ảnh đại diện anh ấy ôm chai mới trên phây à. Sếp giờ sáng rượu sâm banh tối sữa bò mà mình cứ âm lịch, em ngại đánh đu lắm”.

Phải gặng mãi đây là nhiệm vụ chính trị cô không đi tan cả niêu cơm nhà anh, Bình mới “Vầng vầng”, chả hào hứng téo dù được gắp cua Hô nô lu lu, thịt bò Kô bê. Cái con bé, mình đã “siêu cổ kính” nó còn “đại cổ hủ”.

Nhân hơn Phong có vài tháng tuổi, hồi cùng học lớp cuối phổ thông đã được làm “anh”.
— “Anh giỏi toàn diện văn veo bay vù vù em chỉ được cái tính nhẩm nhanh, anh đánh rơi cho thằng em dại ít chữ”, Phong bảo.
Nhân chả thích nhưng cũng không coi là hệ trọng, giờ kiểm tra vẫn cho “em” quay phim chụp ảnh.
— “Ngành điện ảnh đáng phải phong mày làm nghệ sĩ ưu tú”, Nhân đùa đùa.
Ai ngờ kỳ thi đại học, “em dại” suýt soát thủ khoa, còn “anh khôn” phúc tra mới đậu. Nhưng ngựa hay cứ phải thi đường dài, Nhân luôn đứng đầu lớp Văn chương trong khi Phong bỏ trường Tài chính, lặn một hơi chả sủi tăm.

Độ mươi năm, khi Nhân đương thủ chân chuyên viên cơ quan bảo tồn di tích thì gặp lại. Ngoài cổng là một Phong khá giang hồ, hơi giống tài xe khách đường dài:
— “Em chả dám vào, chỗ anh trông trí thức là. Em giờ buôn gỗ từ Tây Bắc về, thỉnh thoảng đánh cả gỗ Lào. Anh phải giúp quả này, để thằng em được mọc mũi sủi tăm với quê.”

Bữa rượu trưa ấy hai tên cưa hết một “nghị quyết sáu lăm”. Lâu mới gặp mà vẫn xả láng thân tình được, vì Phong chỉ nhờ soạn, chọn thể chữ Nho cho bức hoành phi tặng làng đang dựng lại ngôi đình cũ, Nhân gẩy ngón tay là xong. Phong trông “mặn”, ngửi thấy mùi mồ hôi nhưng tự tin chắc nịch, có lúc dẻo quẹo, đố biết nước sâu đến đâu. Mà lại vẫn “trọng thị” mình, Nhân thầm nhận xét và thấy thú vị. Vị thú càng đậm khi Phong đưa thù lao, đủ hậu hỹ để Nhân biếu lại bố Phong chút đỉnh rượu thuốc, đựng trong chai rượu tây cũ. Lần sau lại thăm, anh thấy cái vỏ chai nằm chỗ trang trọng trong tủ kính “phoóc” nâu, ông cụ chơi “mốt” ra phết.

Phong xử rất được, vẫn anh anh em em và chả giấu giếm. Những chuyện từng trải của hắn làm Nhân thấy đời mình quá phẳng lặng: tốt nghiệp giỏi, nhận việc nhanh chả hao phong bì, ngày ngày kiểm tra đình chùa miếu mạo nơi nao có tượng gì lăng mả ai cần trùng tu..., có nên coi là nhạt nhẽo? Phong thì toàn công tích vĩ đại: thiết lập đường dây cung cấp, lắp dựng nhà sàn từ trên ngược về cho những đại gia mua đất làm trại. Sàn Thái có “khau cút” (2), sàn lang Mường không lan can đều phải là cổ, nhưng giữa những xà cột cũ gài bao nhiêu hộp gỗ mới, chỉ Phong, ngành “chức năng” và cánh gác cửa rừng, các trạm liên ngành soát xét giữa đường mới biết. Khoản bôi trơn rải có thể không “phẳng” nhưng phải khắp, từ sếp cấp phép cho di sản vật thể xuôi đến cậu đứng ba ri e lơ ngơ. Độn thêm trong xe tải là thớt nghiến, những nhà làm hàng ăn trong phố mua dăm triệu một cái, kê thật chắc, cho xương ống lên tha hồ bổ. Chết tên Phong “thớt” từ đấy, nhưng buôn nhà sàn thì đừng nghĩ hắn thèm dây vào thớt nhãn thớt me kơ nia vớ vỉn nhé.

Lần gặp lại thằng em dại, chả ngờ mở ra nẻo làm ăn độc và lộc lá bời bời. Phong dẫn Nhân đến một khách hàng chuyên đánh dược liệu từ Trung Quốc về. Nhìn ngôi nhà Thái dựng lại, chuyên viên di tích cười khẩy:
— S“àn dân tộc không ai treo hoành phi.”
Phong kéo phắt Nhân ra chỗ vắng:
— “Anh đừng câu nệ thằng này lắm tiền đang hoắng cứ đông tây kim cổ phối kết giao hợp phang bỏ mẹ nó đi. Em vừa thăn cái bàn thờ vàng tâm hơn hai cây, ông kễnh còn muốn thêm bộ cửa võng trăm triệu nữa cho giống cái phủ ở quê.”
— “Thế “Đức lưu quang” chung chung nhé, nhưng đừng để ai biết tớ cho chữ”, Nhân rụt rè, sau mới biết văn hoa bài bản của mình vớ vỉn, kém xa vô sư vô sách lỗ mãng.

Lần sau, Nhân chọn “Môn nhân hội quyện” cho đám trò kính thầy. Sau nữa là “Thọ mạch diên trường” với nhân viên phòng nọ mừng bà ngoại chị dâu vợ sếp lên chín mươi. Những tuyệt cú, mỹ từ ngọt lìm lịm hoặc đối nhau chan chát cải thiện rõ rành cuộc sống anh chuyên viên quèn, lại nứt ra cái rãnh ngăn giữa sở học với thực hành, càng ngày càng toác mới kinh. Đến một ngày đẹp trời, Nhân đưa Phong cuốn “Hoành phi câu đối Việt Nam”:
— “Ông cầm rồi tự cho chữ đi, tôi chịu. Ngượng lắm!.”
— “Sao thế ạ? Em nửa nửa của nửa nửa chữ bẻ đôi không biết, cho là cho thế nào. Hay là...”
— “Không phải. Ông đưa thù lao hậu tôi mới ngượng. Mà đọc và dùng được quyển này đơn giản lắm. Chẳng hạn nhà bình thường xin câu đối thì chọn “Tổ tông công đức thiên niên thịnh / Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Người ấy từ tay trắng đi lên, lại muốn dễ hiểu dễ đọc thì “Chữ quý nhờ kham khổ siêng năng mới có / Đời vinh qua gian nan khó nhọc mà nên”. Bao nhiêu tình huống, cảnh ngộ gói được hết, mà chữ ta chữ Nho đủ đầy cả không chữ tác đánh chữ tộ mà sợ.”

Phong cầm sách, chả biết có ngâm cứu hột chữ nào, ngày sau đến tận nhà, lời ra chỗ bùi ngùi biết phận, chỗ chặt chẽ đanh thép, vợ Nhân cũng chứng kiến.
— “Em rất xấu hổ, tưởng đơn giản mà có lúc đưa anh vào cuộc chơi kém văn hóa. Và càng phục anh lắm, nói có chị đây em kính tư cách anh từ hồi ham chơi lười học. Giỏi giang mà khoan dung, không câu chấp cao ngạo, lại rất biết mình, nẻo nào chơi đến đâu nẻo nào nên dừng lại kẻo mà... gì”.
— “Em văn hóa kiếm hiệp nên chỉ chỉ biết câu “thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Chị tan sở còn phải vác sổ sách công ty khác về tính toán, khó nhọc quá, phải ạ. Cháu gái còn đi học đòi thay xe ga váy áo cho bằng chúng bạn là đua đòi rồi, nhưng trốn sinh nhật bạn vì thiếu quà tội lắm, bọn trẻ phải được bình đẳng, phải ạ. Mà anh đâu có phải quá vất để gia đình dư dật hơn chút ít. Chữ nghĩa cũng là hàng họ thôi”.
— “Mà anh bỏ ngang là quá ích kỷ”, Phong thầm thì khi vợ Nhân vào bếp.
— “Một tay vỗ thế quái nào. Thằng vai u thịt bắp mồ hôi dầu chỉ tìm mối chứ cho chữ ai ngửi nổi. Phải chân chuyên viên di tích, bậc trí thức. Không còn Phong “thớt” nữa, mũi nhọn đi lên của em giờ là vực dậy vốn di sản truyền thống đang hao hụt, nó nằm trong nhà cổ trong chữ các cụ xưa. Anh em mình sẽ là đôi bạn cùng tiến. Vứt mẹ số lùi đi!”

Lý sự thắt buộc phối kết hợp với tình cảm đầm đìa như thùng nước dội ào, lửa sĩ diện vừa nhen chả ngún được mảnh khói. Nhân không những “quán triệt” sâu sắc mà còn nâng tầm đôi bạn cùng tiến lên bộ ba. Ấy là lúc Phong nhận soạn văn bia đình Y. Thành hoàng Y. vốn là tướng cướp, trước khi chết truyền lại cho dân làng nghề ăn mày.
— “Phải có người thạo thể lệ văn bia chứ tớ chỉ soạn được đại ý trên bản quốc ngữ. Muốn niêm luật chặt chẽ để thiên hạ khỏi chửi phải nhờ…”, Nhân chưa xong câu Phong đã ô kế ô kề tắp lự.

Bình là thạc sĩ Hán Nôm, dân chuyên nghiệp chả chữ tác đánh chữ tộ, có điều đàn bà mà tính cách khí rắn nên mời mọc cần trọng thị. Và ngoài ba mươi chưa chồng thời càng phải tận nơi.
“Thảo lư” của Bình bề bộn sách, câu đầu tiên lại “Các anh uống rượu nhá”.
— “Vâng. Nhưng rượu tây cơ.”
— “Anh thì biết quái gì rượu tây.”
— “Ừ tôi đang học, không học sao thành người sành được.”

Bình xấc thế mà Phong vẫn nhẹ nhõm được, tỏ một khí độ hàm dưỡng sâu xa. Rồi chủ nhà lôi ra đĩa lòng lợn mắm tôm chanh, chai rượu ngang hạ thổ vài năm, chả đôi hồi hỏi ngay vào việc. Nhân đà đận giới thiệu “thân thế” Thành hoàng Y., anh sẽ lờ lớ lơ những gì, làm nổi bật cốt cách gần gũi, thương yêu kẻ nghèo hèn của Ngài, dân làng đến nay vẫn nhớ ơn nhiệt liệt, tổ chức lễ hội tưởng nhớ hàng năm...
— “Vâng, nhưng để chặt chẽ thì nên thêm câu “Rất tiếc chính sử khiếm khuyết, bỏ quên biên chép về Ngài. Bao nhiêu tao loạn, sắc phong tản mác cả”. Đưa vào đoạn nào thì kệ em”, Bình chốt lại rồi giục gắp kẻo ruồi xơi ạ.

Lúc ra về, Phong thốt: “Cô này ghê thật. Dậy đĩ vén váy. Còn chả thèm hỏi giá cả à quên thù lao. Em ngồi không dám mở miệng, gắp nhiều lại ngại”.
— “Cô này đã từng ở chùa, để học chữ, không phải tu. Thế ông tin được việc à?”
— “Tin chứ. Giỏi mới coi dưới mắt không có ai. Đàn bà đã uống thì dữ như thuồng luồng chấp mấy anh em mình được. Mà em đang học uống rượu tây thực đấy, chả phải làm đình ăn đền tuyền chân chỉ rượu ngang đâu. Chủ ngân hàng, doanh nghiệp, thứ bộ trưởng cao cấp rồi ủy viên này giáo sư nọ về làng cung tiến bộ cửa lim hay lo tất tật đồ thờ, đều xơi rượu tây tuốt. Em không đánh đu thì không có quan hệ mà gọi được cuộc khác đâu.”
— “Xong cái bằng rượu tây khéo hỏng hết cơ quan đoàn thể…”
— “Vợ em cũng nói thế. Nhưng nghĩ câu ông bí thư trên ngược “Không uống thì có phiếu thế nào được” lại cố. Ních-nêm em giờ là Phong Johnnie Walker.”
*
Thêm bà thạc sĩ, đội hình thành “Xe pháo mã”, mạnh hẳn mà tiền phần chẳng ngót. Phong sắm con bẩy chỗ đi lại vừa khỏe vừa sang, luôn sơ mi “đóng thùng” tay áo bỏ dài giống người quen đi lại công sở. Nhiều mối quá, sinh lễ nghĩa ắt là phải phú quý rồi, đáng mừng cho dân ta biết bao. Làng này mất đất canh tác, bên dự án đền bù xong tặng lại góc đình gian miếu. Giáp kia đông xuất khẩu lao động lắm “Việt kiều yêu nước”, nay phát tâm đóng góp phục hồi tam quan, chuông đồng khánh đá. Sau bao năm cấm đoán, bị cho là mê tín dị đoan rồi chiến tranh nghèo đói, giờ được bung ra làm ăn, giàu có rồi, ai ai đều muốn lại quả cho Thần Phật, tổ tiên. Khi “đoàn” khảo sát chùa đền đang trùng tu, nhà thờ họ nhà thờ chi xây mới, thân chủ điếc hẳn khi Nhân, nhất là Bình rào rào chi hồ giả dã. Một lần ở đền Z., xem xét hệ thống tượng xong, Nhân trỏ xuống ao mắt rồng bảo “có khi còn Đức Thánh Hiền nằm dưới ấy”. Làng mò quả đúng phục lăn, biếu ba bác tải gạo tám thơm “tiến trung ương”. Liên hoan khánh thành, “xe pháo mã” dĩ nhiên mâm trên. Phong, ních-nêm đã chuyển sang Chivas 12 (*), hay kính sở tại chén đầu “nút lá chuối” rồi lôi rượu tây “xin phép tôi chỉ dùng đời này”. Cũng có hôm nồi nào vung nấy, Phong mang ra cả bộ ly pha lê “Phải dùng loại miệng to, đút cả mũi vào ngửi mới được. Rượu nào ly nấy nên người ta mới bảo như tri kỷ”. “Đúng ra thì thịt trắng đi với vang trắng, thịt đỏ phải dùng vang đỏ, mà kiêng những tỏi, hành tây, trứng, quả chua, giấm, cay với cả…”.

Giữa cơn “khai dân trí”, kiến văn ra như rồng cuộn, bà thạc sĩ hay xin phép xuống “mâm dưới” khảo chuyện củ tỷ các cụ “quê đặc”. Nhìn vẻ cười cười liếc liếc lên của Bình, Nhân đoán “chắc nó đang sôi tiết”. Trúng phóc. Vừa ra xe Bình giễu ngay:
— Thời thế tạo anh hùng. Anh Phong đổi ních nêm hùi hụi bộ ba ta nên lên đời “Tướng sĩ tượng”.
Phong nhăn nhó “Khổ quá mỗi lần rót chỉ bốn mươi xê xê mà các cụ cứ đầy phè làm phát ực phí rượu”. Nhân cười cười im lặng, đôi bên có tiếng bấc tiếng chì thì hòa bình thế giới vẫn còn đấy. Hòa bình muôn năm!
*
Nhưng hòa bình chả đơn sắc phẳng phiu mà đầy chộn rộn, đều là ở phía “ngọn cờ dẫn dắt”. Như là Bình cười hi hí với Nhân “Phong có vẻ mết em tý cụ ạ, không dám nói ra chắc là mặc cảm, nhưng em vẫn đàn bà chứ có linh tính đấy. Em sao á? Chả bõ dính răng! Ít ra phải như cụ, tưởng hiền lành nhưng còn đáo để, đàn ông hơn lão”. Như là thứ trưởng K. xin được câu đối nôm “Nhà đầm ấm gió xuân phơi phới / Tiệc mừng vui sao thọ ngời ngời” về khắc, làm lễ thượng thượng thượng thọ cho bố hoành tráng. Ai ngờ ông cụ bị dựng dậy tiếp khách, hít hương khói nhiều quá hay sao đấy, giở bệnh rồi thiên thu vĩnh biệt sau có một tuần. “Tướng sĩ tượng” bị lương tâm cắn, nhoi nhói một tý rồi thôi. Đằng nào K. đã ẵm khối tiền mừng.

Nhưng buồng gan của “đầu tầu” ốm yếu là đại sự rồi. Phải cày ải, bụng Phong chừng như to lên, hay nhâm nhẩm đau, dở quẻ sau mỗi đận ăn mừng. “Xơ gan cổ chướng là thế nào? Anh nhìn mặt em có vàng không? Em chả dám đi khám nhưng vợ lo lắm, nghĩ ung thư này nọ, đành mời thầy cúng cho an tâm. Mà em toàn uống rượu xách tay chứ có ba vạ đâu”. “Cứ uống quần quật, chắc em phải hạn chế thôi. Đời bao nhiêu cái đẹp, nhìn con tò vò làm tổ bậu cửa cũng thấy tiếc”.

Nghe Nhân kể lại, Bình cười khẩy:
— “Chê cám rồi. Uống thế thì xách tay cũng chết. Ai bảo sang trọng. Sống chả ra sống khê chả ra khê. Em ngờ Tam quốc chí kể bố láo. Quan Vân Trường qua năm ải chém sáu tướng chả phải vì muốn đến chỗ Lưu Bị đâu. Lão mặt đỏ là huyết áp cao, sợ đột quỵ vì ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc lớn của Tào Tháo đấy thôi”.
— “Cái cô này, càng ngày càng độc địa. Phỉ phui!”.

Nhân giận thật sự. Dù gì thì Phong vẫn là thằng em dại, luôn tử tế, đôn hậu với anh. Sau đó mới là cùng hội cùng thuyền. Tin nhắn từ tuần trước của Phong chỉ độc “Em có khi ca (2) mất”. Bỏ lại Bình đang ân hận chút chút, anh ra về, điện thoại đổ liên hồi không nghe.

Hóa ra Phong. “Sao anh không bắt máy? Vâng, trưa nay ạ, thầy Thiện Thường chùa Ống có chai Mắc-ca-lần (*) bẩy tuổi”.

Tiền Phong chủ nhật 16/6/2019


(*) Cách gọi các nhãn rượu ngoại.
(2) Biểu tượng gỗ trên nóc nhà người Thái.
(3) Ung thư.