Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Vermeer – Ẩn dụ Hội họa
Vermeer – Ẩn dụ Hội họa
Thứ Năm 17, Tháng Mười Hai 2015, bởi
15 December, hỏi thầy Phạm Long sao không ăn giỗ Vermeer (1632-1675). Thầy bảo “Em thích ăn sinh nhật Kandinsky hơn…” Thương cụ Vermeer quá, nên nhớ ngày giỗ cụ bằng câu chuyện sau. Hương khói chả có, cỗ bàn càng không, giữa cảnh chiều đông mưa mù quạnh vắng, có một ly Porto màu huyết dụ và cái tẩu quèn nhồi sợi Black Stoker, một mình nhả khói tưởng niệm cụ Johannes Vermeer, bằng cách xem lại bức tranh này:
“Nghệ thuật Hội họa” – The Art of Painting, rồi “Ẩn dụ Hội họa” – Allegory of Painting, tên bức tranh là như vậy. Tên tranh là thế, chắc vì mọi chi tiết trong tranh đều là ẩn dụ của nghề vẽ. Chuyện này nhiều người bàn rồi, mình chả nói nữa. Thương Cụ ở chỗ đây là bức tranh duy nhất Cụ vẽ cho chính mình, nhất định giữ trong nhà cho đến lúc chết. Cụ bà Catherina cũng biết thế, nên khi cụ ông mất, mới vội vàng viết giấy tặng bức tranh cho mẹ ruột để nó khỏi bị tòa án tịch biên bán đấu giá, trả đống nợ chồng chất mà cụ ông để lại.
Khổ nỗi, ông bạn thân nhất của Vermeer, người đã làm mẫu cho cả hai bức “Nhà Địa lý học” và “Nhà Thiên văn học”, là người đại diện pháp luật về tài sản của Cụ, lúc ấy lại có tinh thần thượng tôn pháp luật đến mức không chấp nhận việc tặng tranh trong nội bộ gia đình, và vẫn cho đám chủ nợ lôi bức tranh này cùng với tất cả những tranh và đồ đạc khác của Cụ ra đấu giá ngay ở trụ sở Phường Họa sỹ của thành phố Delft, nơi Cụ sống suốt cả cuộc đời.
Khổ nữa là chính Cụ đã từng là Trưởng hội cái Phường Họa sỹ ấy trong nhiều năm, kiểu như hội trưởng hội mỹ thuật của mình bây giờ. Không biết ai đã mua bức tranh ở phiên đấu giá của các chủ nợ ấy. Chỉ biết rằng sau này nó thuộc sở hữu của một chính khách người Áo là Gottfried van Swieten, một người đam mê âm nhạc và được hậu thế nhớ đến nhờ đã nâng đỡ bảo trợ cho cả ba thiên tài Hayden, Mozart và Beethoven.
Gia đình van Swieten giữ bức tranh cho đến năm 1813 thì bán lại cho công tước xứ Bohemian-Austrian là Rudolf Czerni, với giá 50 florins. Công tước trưng bày nó ở nhà bảo tàng riêng của mình tại Vienna. Và từ đó, công chúng mới biết đến nó, nhưng vẫn đinh ninh là của người có chữ ký trên tranh: Pieter de Hooch, một họa sỹ hàng xóm của Vermeer, cùng trong Phường Vẽ với Cụ.
Khổ thân Cụ. Xuất thân nghèo hèn, ông nội với bố đẻ còn mắc tội làm bạc giả, chả ai biết tuổi thơ của Cụ thế nào, học hành ra sao. Chỉ biết là khi đã vẽ tranh kiếm sống thì Cụ tự nguyện bỏ đạo Tin Lành sang với Công Giáo để được lấy cô con gái một nhà chức sắc giầu có, rồi thì cả đời sống nhờ nhà mẹ vợ, vẽ cảnh nào cũng chỉ có cái phòng nhỏ có cửa sổ ở tầng gác hai ấy, tranh nào cũng chỉ có bố cục ở cái cửa sổ ở phía trái bức tranh. Mà gia cảnh thì nheo nhóc. Những 11 đứa con trong nhà. Ấy là đã chết mất 4 đứa ngay lúc mới sinh.
Bà mẹ vợ cũng là người yêu hội họa, sau khi bỏ ông chồng vũ phu để ở riêng rồi cho vợ chồng Cụ tá túc, thì trong phòng có treo “Đồng tiền khó kiếm” (The Procuress) một bức rất đẹp của Dirck van Baburen, vẽ một chị gái điếm tươi cười nhận tiền của hai ông già chơi trống bỏi. Ấy vậy mà bức này cũng gợi hứng cho Cụ vẽ một bức tương tự – cũng là một cô gái điếm đang nhận tiền của khách, và lại còn có cả Cụ tự họa mình vào trong cảnh ấy nữa – bức tự họa duy nhất của Cụ. Ai biết nội tình gia đình Cụ thời ấy chắc cũng chả dám kể ra ngoài.
Tranh Cụ vẽ bức nào cũng cứ như cảnh tiên. Bờ sông thành phố nhơm nhếch chen chúc bẩn thỉu lắm mà vào tranh Cụ thành ra như một thắng cảnh thanh bình trong vắt. Cảnh người đàn bà trong nhà Cụ vẽ mới gọi là như tiên. Cái hay là ở chỗ những tranh ấy toàn là vẽ theo đơn đặt hàng của những người ở địa phương cả. Ai có tiền có nhà cũng muốn có tranh vẽ tôn vinh cuộc sống hàng ngày của chính gia đình mình.
Mà Cụ vẽ thì thật kỹ, dùng toàn những thứ màu quý cực đắt tiền – đỏ thắm thì phải là Vermillion nguyên chất, đỏ tía cánh sen thì phải là Madder Lake chính cống, lam biếc thì phải là từ ngọc Lapis Lazuli từ Ai Cập mang về, vàng thì phải là loại vàng chì pha kẽm vừa độc vừa hiếm… Cho nên Cụ vẽ chậm, năm năng suất nhất cũng chỉ vẽ được ba bức khổ mỗi bề ba, bốn, năm chục phân tây. Thế nên rất ít khách đặt hàng.
Cạnh tranh thì khốc liệt, vì quanh xóm Cụ ở toàn những họa sỹ hăng hái tiếp thị và không vướng thê nhi, kiểu như Rembrandt và Hooch. Nhưng chắc là ai cũng phải phục tài Cụ, phục cái kỹ lưỡng và tinh tế đến ghê người trong tranh, nên vẫn bầu Cụ làm trưởng Phường Vẽ, nghĩa là người có uy tín chuyên môn cao nhất để giao dịch với khách. Chắc là vì tính nết Cụ cũng ôn hòa tử tế nữa chứ chỉ có tài không thì chỉ có bị ghen ghét chứ ai bầu làm trưởng tràng làm gì. Ấy vậy mà năm 1663, khi có khách sộp là một nhóm quý tộc Pháp đến tìm mua tranh thì Cụ lại chả có bức nào ở nhà, đành phải dẫn sang nhà Hooch.
Chắc sau vụ đó, Cụ mới vẽ bức “Nghệ thuật Hội họa”, như một mong đợi sẽ có người bước vào và thấy mình đang ngồi vẽ hẳn hoi. Cái màn cửa thì vén mở như mời chào. Họa sỹ thì ăn mặc thật là đẹp. Các thứ trong tranh đều là biểu tượng của hội họa, một nghệ thuật cao khiết khăng khít với triết học, âm nhạc, khoa học… chan hòa ánh hào quang của cả quyền lực trên trời và dưới đất. Nhìn các chi tiết trong tranh này, ví dụ chùm đèn với cái bản đồ phía sau đều ở xa, mới thấy tài của cụ trưởng Phường Vẽ thành Delft.
Khách mua tranh toàn người trong cùng thành phố, nên danh Cụ không ra được đến thiên hạ bên ngoài. Gia cảnh nheo nhóc, lúc nào cũng nợ đìa, mà sao tranh Cụ vẽ không có tí dấu ấn khốn khổ bi quan nào. Bức nào, cảnh nào cũng như ngọc như ngà, tắm trong bầu không khí trong vắt tràn ngập ánh sáng tinh khiết. Tranh Cụ chả có mô tả hay phản ánh gì thực tại cuộc sống thời ấy, cũng chả có lên tiếng phê phán, phản biện, hay ngợi ca cái gì to tát lẫy lừng, cũng chả dự báo gì cho tương lai. Tranh của Cụ là một thế giới ngọc ngà, một chốn riêng nhỏ bé, chả dính dáng gì đến những lầy lội của cả cuộc đời Cụ.
Nhớ đến một lời thoại trong phim Amadeus, khi đám nhạc sỹ cung đình kêu với hoàng đế rằng vở ca kịch mà Mozart định viết cho nhà vua có đề tài thô lỗ quá, thì Mozart nói phắt ngay rằng “Maybe I am a vulgar man, but my music is not” (Ta có thể là một kẻ thô lỗ, nhưng âm nhạc của ta thì không). Nhưng có lẽ chỉ có ngày xưa, lúc nghệ thuật vẫn còn là nghệ thuật, chứ không phải đơn thuần là dấu vết của một hành vi tự diễn đạt cá nhân, thì câu nói ấy mới có nghĩa.
Quay lại với bức “Nghệ thuật Hội họa”. Dòng họ công tước Czerni và công chúng biết bức tranh này vẫn đinh ninh đó là tác phẩm của Pieter de Hooch. Mãi đến năm 1860, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Đức Gustav Friedrich Waagen, với những nghiên cứu thấu đáo của mình, mới khẳng định rằng chữ ký của Hooch trên tranh là giả mạo, và tác giả của nó là Johannes Vermeer.
Lúc ấy, nghĩa là gần 200 năm sau khi Cụ mất, Vermeer mới được châu Âu biết đến, trở thành danh họa ngày càng lẫy lừng, mặc dù chỉ có 34 bức tranh còn lại được công nhận là của Cụ, và hầu hết là những tranh nhỏ xíu mỗi bề vài chục phân tây. Chỉ có bức “Nghệ thuật Hội họa” này, bức “Đồng tiền khó kiếm”, và một bức nữa vẽ lúc mới cưới vợ, có đề tài Công giáo, là có khổ trên dưới một mét vuông. Lạ một điều nữa: trong số 34 bức tranh ấy, chỉ có ba bức có chữ ký của Cụ. Hầu hết những bức nhỏ vẽ cho khách chả thấy bức nào có chữ ký.
Hai bức vẽ hai nhà khoa học do ông bạn thân làm mẫu, có chữ ký khá to tát và rõ ràng của Cụ. Chắc hai bức này là cụ thích mà vẽ thôi, chứ ông bạn kia cũng chả trả tiền đặt hàng Cụ. Mà hai bức cùng có khổ 52X45cm, nên được coi là một bộ với nhau. Bức “Nhà thiên văn học” được ký trên cánh cửa tủ, có ngày tháng sáng tác. Bức “Nhà Địa lý học” được ký trên bức tường phía sau, cũng có cả ngày vẽ.
Sau khi bức “Nghệ thuật Hội họa” được khẳng định là của Cụ, nó thành ra được giá kinh khủng. Có tài liệu viết rằng Hitler đã mua bức ấy với giá 1,8 triệu đô la Mỹ của nhà Czerni, thông qua một trung gian. Nhưng năm 1941, tờ New York Times có bài dẫn lời con cháu nhà Czerni, lúc ấy đã sống ở Mỹ, rằng không có chuyện bán cho Hitler, mà là định bán cho nhà triệu phú Mỹ Andrew Mellon, người đã trả 1.250.000 đô la để mua bức tranh cho vào bộ sưu tập bày ở National Gallery of Art tại Washington; nhưng chưa ngã ngũ thì Vienna đã tràn ngập quân Đức Quốc xã, và Hitler đã “thu giữ” nó cho bộ sưu tập riêng của mình ở Berchtesgaden. Còn chuyện Hitler mê bức tranh này như thế nào thì cũng nhiều người viết rồi, chả phải nhắc lại làm gì.
Lúc cuộc chiến có vẻ đã ngã ngũ thắng thua, Hitler cho cất giấu các kiệt tác nghệ thuật của mình dưới một kho ngầm xây dựng trong một mỏ muối gần thị trấn Altaussee. Khi chiến tranh kết thúc, đơn vị chuyên tìm kiếm các bảo vật nghệ thuật và tài liệu quý hiếm của quân đội Mỹ đã tìm ra kho báu ấy, với bức tranh còn nguyên vẹn. Đích thân viên chỉ huy đơn vị này đã áp tải bức tranh bằng tầu hỏa chạy từ Munich về Vienna để trao lại cho chính phủ Áo. Bây giờ, nó được trưng bày trong bảo tàng lịch sử nghệ thuật tại Vienna.
Khổ thân Cụ, cái năm 1675 ấy, dạo mùa hè, bà mẹ vợ sai Cụ đi đòi nợ hộ mình trên Amsterdam. Chả biết làm sao mà Cụ đòi được món nợ ấy rồi lại không đem về cho mẹ vợ. Chuyện vỡ lở, làm sao mà giấu được chứ. Thế là Cụ phát ốm, chán đời, đâm đầu vào trà đình tửu điếm và suy sụp hoàn toàn, đến giữa tháng chạp là chết.
Bây giờ, trong ngôi nhà thờ Tin Lành gọi là Nhà thờ Cũ ở Delft, vẫn thấy có tấm khắc đánh dấu chỗ chôn cất thi hài họa sỹ Johannes Vermeer. Nhưng dân địa phương bảo rằng bên dưới thật ra chả còn gì, vì trải qua mấy trận thành phố tháo cửa đê chắn sóng trong mấy đận chiến tranh, nơi ấy ngập lụt rất nặng, mồ mả chôn ở đó bị trôi chìm hết.
Cuộc đời Cụ liệu có phải là một ẩn dụ của hội họa? Hay của cái gì khác nữa? Tại sao khi chết Cụ lại về với nhà thờ Tin Lành, với đạo gốc của ông bà cha mẹ mình?
Tưởng niệm Cụ, mình như nghe thấy Cụ thì thầm, rằng “Họa sỹ, thì phải biết vẽ, phải mê vẽ, và biết thế nào là đẹp, con ạ…”
Shorewood, ngày giỗ Johannes Vermeer – 15 December 2015
Trịnh Lữ
Xem online : Hội hoạ thời kỳ Baroque