Mẹ Việt bất diệt

Nguyễn Chí Công
Bản đồ vùng Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng

Mấy ngày nay đọc FB mà quá vui vì lòng yêu nước của dân ta vẫn trào dâng như 40 năm trước. Khi đó tôi đã trở về nơi sinh trong kháng chiến chống Pháp và tự hào vì chiến thắng mới, dù uất nghẹn giữa thành phố Lạng Sơn bị quân Trung Quốc san phẳng và nồng nặc mùi chết.

Tội ác của giặc thì nước Biển Đông không đủ rửa, mọi người viết nhiều rồi. Tôi chỉ nhắc lại ghi chép vắn tắt về những Mẹ Việt trở nên bất diệt vì đã sinh ra, nuôi dạy và dẫn dắt một dân tộc bất khuất từ mấy nghìn năm trước.

Phạm Việp là người đầu tiên ghi nhận cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng với nhiều chi tiết trong hai chương của cuốn Hậu Hán Thư viết vào thế kỷ 5, nói về lịch sử nhà Đông Hán từ năm 25 đến 220. Các tài liệu cổ khác của TQ chỉ nhắc ngắn gọn đến hai chị em.

Đại Việt sử lược là cuốn sách Việt cổ nhất có ghi chuyện Trưng Trắc. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết lại và tôn là Trưng Nữ vương. Còn dân ta thì quen gọi cả hai chị em là Vua Bà.

Sử cũ chép bằng chữ Hán, tên người và tên đất đều phiên âm từ tiếng Việt cổ. Thi Sách có lẽ không phải tên chồng Bà Trưng, sách Thủy kinh chú của Trung Quốc nói ông tên Thi, v.v.. Nguyễn Khắc Thuần cho rằng tên Hai Bà là Trứng Chắc và Trứng Nhì. Bản đồ vùng Lĩnh Nam* thời đó cũng chỉ là tương đối nhưng tôi tin niềm tin của dân ta là mãi mãi.

Thời Hán Vũ đế, Hoài Nam vương Lưu An nói: "Việt, vùng đất bên ngoài, là dân cắt tóc, xăm mình. Không thể lấy quốc pháp quan đái (冠 帶 dải mũ) để chỉnh sửa quy phạm vậy". Đầu thời Đông Hán, thái thú Tô Định tàn bạo vơ vét của cải và bắt dân sống theo phong tục phương Bắc. Năm 39 Thi Sách chống lại, bị hắn giết. Hai Bà nổi dậy chiếm Cổ Loa rồi cả Luy Lâu, thủ phủ quận Giao Chỉ, quy phục 2 vạn người.

Theo gương Hai Bà, 65 thành trì các vùng Âu Lạc và Nam Việt cũ (của Thục Phán và Triệu Đà) đã giành được độc lập. Ba năm sau Quang Vũ đế cử tướng giỏi nhất là Mã Viện dẫn hơn một vạn quân sang trấn áp. Theo sử sách TQ lúc đó cư dân Lạc Việt có khoảng 40 vạn người đóng thuế. Trận đầu Hai Bà đã thắng tại Hồ Tây, sau đó bị Mã Viện bày mưu đánh bại. Khi hết đường chạy, Hai Bà đã không đầu hàng mà gieo mình xuống dòng sông Hát.

Dân gian lưu truyền rằng cha Hai Bà quê ở làng Hạ Lôi, lấy cô Mèn, tức Man Thiện là cháu ngoại vua Hùng, quê ở làng Nam Nguyễn (nay thuộc Cam Thượng) dưới chân núi Ba Vì. Sau khi chồng mất, bà đã nuôi dạy hai con và chuẩn bị lực lượng cho con rể và con gái.

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Miếu Mèn

Mùa xuân năm 40, Hai Bà đánh đuổi Tô Định, xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh. Bà Mèn về quê lập đồn yểm trợ. Khi Mã Viện tiến quân, bà lui về An Hát (sau đổi thành Phúc Lộc, huyện Phúc Thọ) đánh tiếp. Cuối cùng lực kiệt, bà trầm mình ở sông Hồng vào ngày 10 tháng 11 năm 43, cũng không để bị giặc bắt. Mộ Dạ và miếu Mèn chính là mộ và miếu của bà Man Thiện. Dạ và Mèn là hai từ cổ dùng để tôn xưng người phụ nữ anh hùng.

Qua bao thế kỷ đến nay dân ta đã xây dựng, sửa chữa và duy trì miếu Mèn, đền Hát Môn, đền Mê Linh, đền Đồng Nhân và hàng trăm đền miếu khác thờ Man Thiện, Hai Bà và các tướng của Hai Bà (chủ yếu là nữ: Lê Chân, Bát Nàn, Thiều Hoa, Thánh Thiên v.v.). Tôi đã đi suốt 10 năm mà chưa thăm hết nhưng biết chắc chắn một điều là hương khói không bao giờ tắt tại những di tích đó.

Đông Tỉnh Cong Chi Nguyen

Chú thích

* Bản đồ màu vàng cho thấy vùng Lĩnh Nam tức phía nam của Ngũ Lĩnh - 5 dãy núi hiểm trở trước kia ngăn cách tộc Hán với các bộ lạc Dương Việt, Tây Âu, Lạc Việt, Cửu Lê v.v.. Trước CN hơn 200 năm, quân Tần chia làm 5 mũi vượt Ngũ Lĩnh chiếm được miền ven biển và lập các quận làm thuộc địa nhưng sau đã bị thua ở Tây Âu và Lạc Việt như sử Tàu và truyền thuyết Thánh Dóng có kể. Nhà Tần suy vong, tướng Tần là Triệu Đà nhân cơ hội xưng vua Nam Việt, thôn tính Âu Lạc. Nhà Hán lên thay lại thôn tính Nam Việt năm 111 TCN. Đến đầu CN thì Hai Bà khởi nghĩa .... Tuy nhiên lịch sử giai đoạn này còn nhiều điều mập mờ gây tranh cãi.