Đền Trần (Nam Định)

Đền Trần là tên gọi chung một quần thể kiến trúc bao gồm 3 di tích xây vào những triều đại khác nhau ở Tức Mạc, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 94km. Khu này rộng tới hàng chục héc ta với đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạochùa Phổ Minh...

Tức Mạc thời Trần

Tức Mạc vốn là mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần. Năm 1239 đã xây dựng hành cung ở đây để lấy chỗ ở khi vua về thăm. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung từng đưa trẻ già hoàng tộc về đây lánh nạn.

Năm Nhâm Tuất (1262) trước khi khi xây dựng lại quê hương Tức Mạc, nhà Trần đã thăng làng này lên làm thủ phủ Thiên Trường, một vùng đất rộng bao gồm thành phố Nam Định, 9 xã phía nam huyện Bình Lục, huyện Nam Ninh thuộc tỉnh Nam Hà (cũ) và phía nam huyện Thư Trì tỉnh Thái Bình hiện nay.

Nước ta từ thời Trần đã có chế độ thái thượng hoàng. Các vua cha thường ở tuổi trên dưới bốn mươi thì nhường ngôi cho con. Thượng hoàng trên thực tế vẫn quyết định những việc quan trọng và rèn cặp vua đương nhiệm. Những thượng hoàng đầu triều Trần đều về nghỉ ngơi tại quê nhà, chỉ từ Trần Minh Tông thì mới ở lại Thăng Long.

Hai công trình lớn ở Tức Mạc hồi đó gồm điện Trùng Quang nơi thượng hoàng về ngự và điện Trùng Hoa để các vua Trần về chầu. Ngoài ra còn có cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, cung Đệ Tứ là nơi hoàng tộc và các quan lại ở. Các cung này nằm án ngữ các con sông Hoàng Giang, Nhị Hà và Vị Hoàng như vành đai bảo vệ phía ngoài cho điện Trùng Quang và Trùng Hoa.

Ngọc Phả đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết về các hành cung ở đây: “Làm nội cung để các hậu ở, làm nội khố để trữ tiền lương …”. Phía sau bờ bắc sông Vĩnh Trường lập cung Hoa Nha và đặt Văn miếu. Sách Nam Định địa dư chí của Nguyễn Ôn Ngọc nêu cụ thể hơn: “Văn miếu của huyện (Mỹ Lộc) được xây dựng từ thời Trần Thái Tông tại địa phận xã Hoa Nha nay là làng Liễu Nha, tạc tượng thánh và tượng tiên hiền để vua thân hành đến lễ. Đến thời Lê dùng làm cung phủ Thiên Trường, đến Gia Long làm vua cũng dùng đình này làm văn miếu của tỉnh để tế ”.

Như vậy hành cung Thiên Trường lấy làng Tức Mạc làm trung tâm gồm có các cung điện nằm rải rác trên bốn phường xã thuộc thành phố Nam Định hiện nay là: Lộc Vượng, Lộc Hạ, Mỹ Trung, Mỹ Phúc.

An Nam chí lược của Lê Tắc, một người đường thời, cho biết: “Ở nơi đây nước thuỷ triều quanh thành, hoa cỏ bên bờ mùi hương xông ngát, có những thuyền trang hoàng đẹp đẽ qua lại trên sông, y như cảnh thần tiên vậy”. Nhưng tiếc thay tất cả đã bị tàn phá từ lâu. Ở đền Thiên Trường đã tìm thấy một đường cống thoát nước ngầm. Trong đợt đào thám sát năm 1976 ở độ sâu 0,3m đã gặp một lớp nền móng trong đó có cả gạch bó kè. Những cánh đồng xung quanh đây với diện tích khoảnh trên hai mươi mẫu Bắc Bộ còn mang nhiều tên như Kho Nhi, Nội Cung, Cửa Triều … Tại khu chùa Đệ Tứ năm 1976 đã khai quật được một sân gạch hoa thời Trần. Đây là những viên gạch vuông, nung già màu đỏ, trên mặt có trang trí hoa văn rất đẹp. Ở các địa điểm có liên quan đến di tích đã phát hiện nhiều gốm Trần men ngọc, men nâu, những đầu rồng đầu phượng đất nung, ngói mũi hài để trang trí trên các công trình xây dựng và nhiều đồ gia dụng như bát, đĩa, thạp … Có những đáy bát còn ghi rõ hàng chữ “Thiên Trường phủ chế ” (Làm tại phủ Thiên Trường).

Đền Trùng Hoa

Khu đền Trần

Khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của các cung điện. Ở đây còn làng Liễu Nha xưa là vườn Liễu, làng Lựu Phố trước là vườn Lựu, vườn Đào, làng Văn Hưng là trường giảng văn được thành lập năm 1281, làng Phương Bông là nơi ở của các ca công phục vụ hoàng tộc. Trước năm 1945 cứ mùa xuân đến dân làng lại mở hội, trong đó có múa “Bài Bông” tương truyền do Trần Quang Khải sáng tác mừng chiến thắng quân Nguyên.

Đền Trần rộng khoảng tám héc ta nằm trên một khu đất cao, cách trung tâm thành phố Nam Ðịnh 4km về phía tây bắc. Dòng Vĩnh Giang nước chảy vòng quanh di tích, tạo thành thế tay ngai ôm lấy khu vực này. Những năm trước 1945, cây cối ở khu vực này rất tốt, tạo thành những vạt rừng xung quanh có tên là rừng Sau, rừng Cây Đó với nhiều cây đại thụ. Đền Thiên Trường hay đền Thượng và đền Cố Trạch còn gọi là đền Hạ được xây dựng sát cạnh nhau. Về phía tây đền Trần còn có chùa Trùng Quang. Ngôi chùa này bị hư hỏng đã dỡ đi hồi những năm 1960 nay lại xây mới thành đền Trùng Hoa.

Đền Thiên Trường

Đền Thiên Trường vốn lúc đầu là nhà thờ đại Tôn được dân làng dựng lên thờ phụng vua cha. Đến năm Chính Hoà thứ 15 (1695) thời Hậu Lê nhà thờ được dựng lại bằng gỗ lim. Năm 1705 thì nơi đây chính thức được gọi là Trần Miếu và hàng năm triều Lê có ban quốc lễ.

Năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền Thượng được sửa chữa lớn. Nhà đại bái chỉ còn giữ lại bộ cánh cửa rộng 2m x 1m50 chạm khắc từ thế kỷ 17 còn tất cả đều được mở rộng nâng cao lên. Năm Khải Định lại tu bổ và gần đây càng có nhiều thay đổi lạ mắt.

Vào Đền trước tiên phải qua cửa ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán 正南門 (chính nam môn - cổng chính phía nam) và 陳廟 (Trần Miếu). Qua cổng, men theo một hồ nước vuông xây kè đá xung quanh ta bước vào đền Thượng thờ 14 vua Trần, trước có bốn cột đồng uy nghi soi bóng trên mặt nước rồi đến một sân rộng hai bên là hai dãy giải vũ với một đôi voi nằm phủ phục chầu ngay lối vào. Bốn cây bàng lớn, thân xù xì già nua như tuổi ngôi đền toả rợp bóng trước sân.

Tại sân đền Thượng, trước đây vào các năm tý, ngọ, mão, dậu, đúng tết nguyên tiêu làng Tức Mạc vào đám. Sáng ngày rằm tháng giêng dân của bẩy làng là Vọc (Bình Lục), Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mạc rước kiệu về đây để tế vua Trần. Các làng này có thờ các danh tướng nhà Trần. Vì làng Vọc thờ Trần Thủ Độ ở quá xa nên sau này không phải rước kiệu nữa mà chỉ đưa lễ xuống tham dự. Làng Tức Mạc trước đây chỉ có một dòng họ. Dân nơi khác đến ngụ cư cũng như trai làng khác muốn lấy vợ ở làng này đều phải đổi sang họ Trần.

Đền Thiên Trường thờ bài vị trước đây không có tượng. 175 năm trị vì đất nước với ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông đã đưa vương triều Trần lên đỉnh cao vinh quang. Trần Nhân Tông đã trực tiếp hai lần cầm quân ra trận, bài vị vua thứ ba này được đặt bên cạnh bài vị vua sáng lập là Trần Thái Tông. Bài vị của cháu đặt bên cạnh ông nếu theo dòng tộc thì không phải phép nhưng đánh giá theo công lao, nhân dân đã vượt qua khuôn khổ gia đình để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn.

Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch

Đền Cố Trạch

Trong lần tu sửa đền Thượng vào năm 1852 đã đào được một tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch” (nhà cũ của Hưng Đạo Vương ) nên nhân dân dựng ngôi đền thờ mới với tên Cố Trạch. Đền này bao gồm nhà Đại Bái, Thiêu Hương, cung Đệ Nhị, cung Đệ Nhất, có nhiều nét giống như đền Thiên Trường. Nhà Thiêu Hương cùng với tả hữu vu và cung Đệ Nhị thờ các bộ tướng văn võ của Hưng Đạo. Cung Đệ Nhất dành riêng thờ vương phụ, vương mẫu cùng phu nhân là Thiên Thành công chúa.

Trong cung đệ nhất đền Cố Trạch có một ngai thờ ba con trai Hưng Đạo Vương, riêng con cả Quốc Tảng từng có ý đòi lại ngôi vua nên dân không thờ. Trong khi đó Phạm Ngũ Lão tuy là con rể nhưng được thờ cúng một ngai.

Vào dịp đầu năm tại đền Trần, dân làng Tức Mạc bao giờ cũng tổ chức lễ khai ấn. Buổi lễ trọng thể này được diễn ra vào ban đêm, điểm chót của ngày 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng giêng. Theo tập tục cổ, sau những ngày nghỉ ăn tết, bắt đầu từ ngày rằm triều đình trở lại làm việc bình thường. Lễ khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới.

Tại đền Cố Trạch các lão ông lão bà áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ trước lễ thánh, sau tham dự buổi lễ khai ấn trọng thể. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có hai con dấu bằng đồng. Quả nhỏ trên mặt có hai chữ: “Trần miếu” còn quả lớn có chữ: “Trần triều tự điển tứ phúc vô cương” đều khắc theo kiểu chữ triện.

Đúng giờ Tý (12 giờ đêm) một tràng pháo nổ vang báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng làng tổ chức đóng dấu bằng son đỏ trên các tờ giấy vàng, chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đưa về treo tại các gia đình để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.

Tháp Phổ Minh

Chùa Phổ Minh

Ðây là nơi lễ bái tụng niệm của các quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần, được bố trí theo kiểu nội công ngoại quốc và thể hiện rất rõ dấu ấn sự hoà đồng của ba tôn giáo Nho - Phật - Lão, tam giáo đồng nguyên. Ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý đã được vương triều Trần mở rộng vào năm 1262.

Trong chùa có nhà Thuỷ Tạ, có hồ sen, có nhiều cây cổ thụ xum xuê. Trước cửa chùa có đỉnh đồng nặng trên 7 tấn, có chuông lớn khắc chữ "Phổ Minh đỉnh tự". Chùa vốn có một vạc lớn ở trước cửa (vạc Phổ Minh), là một trong bốn báu vật "An Nam tứ đại khí", nay không còn nữa. Trong chùa có tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và gần 60 tượng Phật, Thánh khác được sơn
son thếp vàng rất đẹp. Qua nhiều lần tu sửa đến nay quy mô của chùa đã bị thu hẹp nhiều so với trước. Tuy vậy kiến trúc đời Trần ở đây còn lại khá nhiều: 96 chân tảng đá chạm hoa sen, nhiều đôi sóc đá, hai đôi rồng chạm đá trước bái đường.

Ðặc biệt còn có cây tháp được xây dựng trước cửa bái đường vào năm 1305. Ðây là loại tháp hình hoa sen có 13 tầng cao 21m. Bệ và tầng một xây bằng các phiến đá xanh trang trí tinh vi, các tầng trên xây bằng gạch, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2m. Các tầng tháp đều có mái cong ở 4 phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30m² tại vùng chiêm trũng nhưng vẫn đững vững suốt 7 thế kỷ qua.

BTV: Đông Tỉnh NCCong